Hàng Việt chịu áp lực từ “sân nhà”

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng nhưng tới đây, khi các hiệp định thương mại (FTAs) đã ký kết có hiệu lực, hàng Việt sẽ phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập ngay tại “sân nhà”.

Hàng Việt chiếm hơn 70% tại siêu thị, trung tâm thương mại
Theo Bộ Công Thương, qua 9 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hàng Việt đã tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm của người tiêu dùng. Đồng thời góp phần quan trọng để các DN Việt Nam có động lực phát triển sản xuất kinh doanh. Hiện hàng Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường, trong đó có trên 90% hàng hóa được sản xuất trong nước. Tại các trung tâm thương mại, các siêu thị lớn, tỷ lệ hàng hóa thương hiệu Việt luôn đảm bảo đạt trên 70%.
 Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Big C. Ảnh: Công Hùng
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của khối DN, ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Với gần 600.000 DN đang hoạt động (trong đó 98% là DNNVV), DN Việt Nam là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, việc làm cho người lao động và đóng góp trên 60% GDP. Đặc biệt có những DN lớn trở thành biểu tượng và niềm tự hào cho quốc gia và ngày càng có nhiều DN, doanh nhân tiêu biểu khẳng định thương hiệu, uy tín trong nước và mang thương hiệu Việt đến với thế giới.

Thực tế cho thấy để khẳng định chất lượng, thương hiệu Việt với người tiêu dùng, trong những năm qua các DN đã đổi mới công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Nhiều DN trong lĩnh vực nông nghiệp đã tích cực tham gia chuỗi liên kết giá trị, gắn trách nhiệm DN với các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, đáp ứng việc cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam những hàng hóa ngày càng có chất lượng, giá thành hợp lý.

Thiếu doanh nghiệp “đầu tàu”

Theo nhận định của các chuyên gia, dù hàng Việt đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng nhưng thời gian tới khi các hiệp định thương mại có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu giảm xuống còn 0 - 5% hàng hóa nhập ngoại sẽ tràn vào Việt Nam, thị trường trong nước sẽ không còn là của riêng DN Việt. Đây là thách thức lớn đối với nền kinh tế quốc gia, cũng là cuộc cạnh tranh rất gay gắt mà DN trong nước phải đối mặt. Nếu không có sản phẩm tốt, DN Việt dễ mất vị thế ngay tại “sân nhà”.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh Vũ Hùng cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu Việt, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cùng với đó các ngành chức năng tạo mọi điều kiện để các DN sản xuất sản phẩm hợp thị hiếu, giá cả hợp lý, phát huy vai trò trong sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DNNVV Việt Nam Tô Hoài Nam chỉ ra một thực tế: Hiện sự liên kết của các DNNVV còn yếu, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các DN nhỏ với các DN lớn. Bên cạnh đó, sự hình thành và phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn tự có, ít được Nhà nước hỗ trợ… Chính vì vậy, hiện DN tư nhân Việt Nam thiếu vắng một lực lượng DN “đầu tàu” đủ mạnh để có thể dẫn dắt “đoàn tàu” DN Việt tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Thực tế để DN không thua ngay trên sân nhà, các ngành chức năng cần đẩy mạnh quản lý Nhà nước đối với thị trường, hội nhập và kết nối DN các vùng miền; thúc đẩy DN khởi nghiệp, chú trọng khởi nghiệp sáng tạo trong một số ngành có lợi thế và tiềm năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản lý, quản trị. Mặt khác các DN cũng cần hành động quyết liệt theo hướng trước hết phải có hàng chất lượng cao, có thương hiệu để cạnh tranh với hàng nước ngoài, qua đó đứng vững trong thị trường hội nhập, đáp lại niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam.

"Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt, Nhà nước cần tập trung hỗ trợ DN để họ có thể nhập được những bằng phát minh sáng chế, hỗ trợ đào tạo nhân lực, đặc biệt tạo điều kiện để DN thuê được chuyên gia nước ngoài." - GS Võ Đại Lược - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần