Hàng Việt chịu lỗ để vào siêu thị ngoại?

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù hàng Việt đã chiếm tỷ lệ khá lớn trong hệ thống bán lẻ, chợ truyền thống nhưng phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập, đặc biệt là tại các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài.

Hiện hàng Việt muốn vào siêu thị ngoại phải chịu chiết khấu cao và chịu thêm nhiều chi phí như phí trưng bày, mở mã, quầy kệ, marketing… buộc DN sản xuất phải tăng giá bán, hoặc phải chấp nhận chịu lỗ để quảng bá thương hiệu.
Khó chen chân vào các siêu thị ngoại
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cho thấy, sau 10 năm triển khai cuộc vận động, hiện tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị luôn đạt mức trên 90%. Cụ thể như Saigon Co.opmart (90 - 93%), Satra (90 - 95%), Vissan (95%), Lotte (82%), AEON (80%)... Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.
 Phiên chợ hàng Việt tổ chức ở huyện Thanh Trì thu hút đông đảo người tiêu dùng. Ảnh: Lê Nam
Mặc dù hàng Việt chiếm tỷ lệ cao tại hệ thống siêu thị nội nhưng rất khó chen chân vào các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân là do việc đưa hàng Việt vào siêu thị ngoại đang gặp nhiều rào cản kỹ thuật. Chuyên gia ngành bán lẻ Vũ Vinh Phú cho biết, hiện DN Việt đang phải chịu mức chiết khấu rất cao khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị do DN nước ngoài đầu tư.
Hiện nhiều siêu thị ngoại yêu cầu mức chiết khấu từ 17 - 20%, thậm chí có siêu thị lên đến 25% đối với hàng Việt. Ngoài ra, hàng Việt còn phải chịu nhiều chi phí khác như phí trưng bày, mở mã, quầy kệ, marketing… Điều này buộc DN sản xuất Việt Nam phải tăng giá bán, khó có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập, hoặc phải chấp nhận chịu lỗ để quảng bá thương hiệu.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm thị phần lớn ở Việt Nam. Cụ thể, thị phần khối ngoại đã chiếm hơn 58%, còn khối nội chỉ còn hơn 40%. Dự báo đến năm 2020, ngành bán lẻ hiện đại của khối ngoại sẽ đạt 187.000 tỷ đồng doanh thu, còn khối nội khoảng 71.400 tỷ đồng và tỷ lệ lúc đó sẽ là 27,6% thị phần cho DN nội địa và 72,4% thị phần cho khối ngoại.
“Hàng loạt các siêu thị lớn như Lotte Mart, AEON, Big C, City Mart… đang ngày càng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng và tạo ra được sức ép đối với DN sản xuất muốn phân phối hàng hóa vào hệ thống của họ” - ông Phú phân tích.
Chờ người cứu chẳng bằng tự cứu
Để cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại ngay trên sân nhà, nhiều chuyên gia và chủ DN cho rằng, mấu chốt vẫn là các DN Việt phải đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng mới mong chiếm lĩnh thị trường.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khóa Việt - Tiệp Lương Văn Thắng chia sẻ: "Mỗi năm DN đầu tư 35 - 40 tỷ đồng nâng cấp dây chuyền sản xuất, đồng thời luôn cải tiến mẫu mã theo nhu cầu của thị trường với việc đưa ra thị trường 10 - 15 sản phẩm mới/năm. Cách làm này đã đẩy mạnh được việc tiêu thụ sản phẩm dẫn đến tốc độ tăng trưởng của DN luôn đạt 8 - 10%/năm”.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua nhiều DN đã đẩy mạnh đầu tư cải tiến mẫu mã nâng chất lượng sản phẩm để không bị tụt hậu trong cuộc cạnh tranh. Giám đốc Công ty TNHH Quang Vinh Hà Thị Vinh chia sẻ: Hiện, trên 90% sản phẩm gốm Quang Vinh xuất khẩu đến Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Mỹ, Tây Ban Nha... Để làm được điều này, từ năm 2001 DN áp dụng công nghệ nung đốt bằng gas Đài Loan, CHLB Đức; Đầu tư hệ thống chế biến nguyên liệu công nghệ của Nhật Bản, Đan Mạch.
Khóa Việt - Tiệp, gốm sứ Quang Vinh chỉ là hai trong số hàng nghìn DN Việt đã đẩy mạnh đầu tư nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã… nhưng đa phần họ vẫn hiếu vốn đầu tư. Hoặc DN phải đối mặt với nạn hàng giả, hàng nhái nên ngần ngại đầu tư cải tiến mẫu mã sản phẩm… Do đó, tại hội nghị tổng kết, nhiều DN đã kiến nghị Nhà nước cần đẩy mạnh công cuộc chống nạn hàng giả, hàng nhái; Đổi mới cơ chế chính sách tài chính, qua đó hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất…
Nhằm hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Đồng thời phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước, trong đó tập trung hỗ trợ DN phát triển hệ thống phân phối; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt Nam…
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, hiện Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý minh bạch, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ qua đó hỗ trợ DN nâng cao chất lượng hàng Việt.

"Giải pháp quan trọng nhất để cạnh tranh với hàng ngoại là DN phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức hiệu quả các chuỗi khép kín từ sản xuất đến phân phối. Để làm được điều này, DN phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước và tận dụng sự hỗ trợ của Nhà nước một cách hợp lý, không vi phạm các cam kết của các FTA." - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần