Hàng Việt có tốt, người Việt mới tin dùng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã có sức lan tỏa tới người dân và DN, tuy nhiên Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần phải có định lượng cụ thể đánh giá hiệu quả, đồng thời tổ chức các hoạt động thực chất, sát với thực tế hơn.

Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị "Sơ kết năm 2015 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2016" của Ban chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức ngày 15/3.

Tích cực kết nối cung cầu

Báo cáo của các bộ, ngành cho thấy, trong năm 2015, đã có 180 đợt bán hàng về nông thôn với 2.400 lượt DN, thu hút hơn 930.000 lượt người tới tham quan mua sắm; doanh thu mang lại hơn 20.000 tỷ đồng. Các địa phương đã xây dựng 31 điểm bán hàng Việt cố định, 3.000 DN sản xuất, kinh doanh đã phát triển mạng lưới bán lẻ hàng Việt.

Nhằm tạo điều kiện cho DN sản xuất, nông dân tiêu thụ sản phẩm, Bộ Công Thương đã tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội qua đó thu hút gần 1.000 DN tham gia. Tại các hội nghị này đã có 129 bản ghi nhớ và hợp đồng được ký kết giữa các nhà sản xuất hàng công nghiệp nông thôn, hàng nông sản và các loại hàng hóa tiêu dùng khác với các DN phân phối. Đặc biệt, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và các DN bán lẻ hỗ trợ nông dân tỉnh Sóc Trăng, Hải Dương tiêu thụ mặt hàng hành tím, vải với số lượng lớn…
Người dân mua hàng tại phiên chợ Việt tổ chức tại huyện Thạch Thất.  	Ảnh:  Hoài Nam
Người dân mua hàng tại phiên chợ Việt tổ chức tại huyện Thạch Thất. Ảnh: Hoài Nam
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chia sẻ, cùng với thị trường trong nước, trong thời gian qua, Bộ Công Thương cũng chú trọng triển khai hoạt động kết nối cung cầu, đưa hàng Việt vào các hệ thống phân phối nước ngoài. “Từ thành công trong Tuần hàng Việt Nam lần đầu được tổ chức thông qua nhà phân phối Casino (Pháp) năm 2011 đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt thông qua các kênh phân phối nước ngoài như Metro, Big C, AEON, Lotte... đã lên đến 700 triệu USD”. Để triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương đã chỉ đạo 63 thương vụ ở nước ngoài chắp nối đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối của nước sở tại, giúp cho bà con Việt kiều có thêm nhiều cơ hội dùng hàng Việt.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Hoạt động kết nối cung cầu đã tạo cơ hội cho hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng, tuy nhiên vẫn còn những bất cập cần khắc phục. Ông Lại Xuân Môn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng: Mặc dù thị trường nông thôn chiếm tới 70% sức tiêu thụ trong nước nhưng khu vực này lại phải chịu sự hoành hành của hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Phó Trưởng Ban Dân vận T.Ư Nguyễn Văn Hùng nêu ý kiến, hàng Việt muốn tiêu thụ được trước tiên phải có chất lượng và giá cả cạnh tranh. "Nếu không đi vào thực chất thì người dân cũng không hưởng ứng vì suy cho cùng sản phẩm Việt Nam giá phải cạnh tranh, chất lượng đảm bảo người dân mới tiêu thụ" - ông Hùng nhấn mạnh. Ông cũng bức xúc về nhiều mặt hàng là nguồn thu nhập chính của người dân nông thôn nhưng đầu ra vẫn còn bấp bênh, thậm chí phải đổ bỏ như sữa tươi, dưa hấu, thanh long… Nhằm hỗ trợ DN khắc phục những bất cập này, các đại biểu tham dự hội nghị có chung ý kiến, trong thời gian tới các bộ, ngành T.Ư cần xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, lưu thông hàng hóa nội địa; tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình “Phiên chợ hàng Việt” cho các địa phương thông qua chương trình xúc tiến thương mại và Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014 - 2020. Lực lượng chức năng đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, không đảm bảo VSATTP...

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, điểm hạn chế của Cuộc vận động trong thời gian qua là nhiều bộ, ngành và địa phương chưa có ban chỉ đạo khiến các hoạt động chưa được triển khai bài bản. Công tác tuyên truyền chưa kịp thời, chưa phát huy tối đa tác dụng... Vì vậy trong quá trình thực hiện, các địa phương phải tăng cường, nâng cao hiệu quả truyền thông về ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; Chú trọng xây dựng các điểm bán hàng Việt, đồng thời tổ chức các Chương trình tuần lễ hàng Việt Nam, hội chợ hàng Việt Nam; Hỗ trợ DN sản xuất, bán lẻ và nông dân tiêu thụ hàng Việt. Đồng thời các bộ, ngành trong quá trình mua sắm công phải tăng tỷ lệ hàng Việt, vận động cán bộ, công nhân, viên chức tích cực mua hàng sản xuất trong nước.
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân gợi ý, trong năm 2016 có thể chọn mặt hàng sữa để tạo thành chuỗi chăn nuôi - sản xuất - sữa học đường với sự tham gia của Hội Nông dân, Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, từ đó kiến nghị chính sách để làm. Hoặc phát động phong trào người Việt ưu tiên dùng hàng dệt may Việt Nam với sự tham gia của Tổng Liên đoàn, Bộ Công Thương, tiếp tục phát huy tiếp cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam mà ngành y tế đã phát động. Ngoài ra, nên phát động phong trào người Việt ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ CNTT của Việt Nam. Từ việc tập trung 4 sản phẩm đó, sau này có thể mở rộng ra sản phẩm khác vào những năm tiếp theo.