Hàng Việt đối mặt rào cản phòng vệ thương mại

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Cục phòng vệ thương mại (PVTM) - Bộ Công Thương, số lượng các vụ kiện PVTM ngày càng gia tăng.

Nếu như năm 2017 chỉ có 13 vụ kiện PVTM thì năm 2018 đã có 19 vụ. Sản phẩm bị điều tra, khởi kiện chủ yếu là các mặt hàng như sắt thép, sợi, đồ gia dụng, đồ điện tử... Đây là thách thức không nhỏ mà DN trong nước phải vượt qua đưa hàng hóa Việt thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường quốc tế.
Xu hướng bảo hộ gia tăng

Thống kê mới nhất cho thấy, có tới 80% sản phẩm thép do Việt Nam sản xuất, thủy sản 1%, săm lốp 2%, giày dép 6%, sợi 9%… bị kiện PVTM. Trong đó, Mỹ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với pin năng lượng mặt trời, thép cán nguội và thép carbon chống mòn, tôm, cá da trơn... Australia điều tra chống bán phá giá với dây thép; Canada điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm khớp nối bằng đồng của Việt Nam… Những vụ kiện PVTM này đã tác động tiêu cực đến sản xuất của DN Việt Nam.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Theo Phó Cục trưởng Cục PVTM Chu Thắng Trung, nguyên nhân khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam bị Mỹ và EU kiện PVTM là do nghi ngờ Việt Nam là nơi DN Trung Quốc khó xuất khẩu hàng vào Mỹ nên tuồn sang Việt Nam bằng nhiều hình thức như đầu tư nhà máy để chế biến giai đoạn cuối, hay đưa hàng qua cửa khẩu, qua đó thay đổi xuất xứ sản phẩm, hưởng lợi chính sách thuế của các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Vì vậy, trong thời gian tới, rất có thể một số mặt hàng xuất khẩu khác đang đứng trước nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh như: Ván ép xuất khẩu sang Hoa Kỳ, lốp xe tải và xe khách xuất khẩu sang EU.

Thực tế cho thấy, trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Mỹ đã đánh thuế bổ sung trị giá 200 tỷ USD vào nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, trong đó mặt hàng đồ gỗ bị ghi tên vào danh sách các mặt hàng bị hạn chế đưa sang Mỹ. Đây sẽ là cơ hội cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam, bởi đơn hàng và hoạt động đầu tư sẽ có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Việt Nam bị DN Trung Quốc lợi dụng để thay đổi xuất xứ thì ngành gỗ Việt Nam sẽ bị Mỹ áp thuế chống lẩn tránh lên toàn bộ đồ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho các DN Việt.

Nói không với tiếp tay cho gian lận

Khi nói về các vụ kiện PVTM đối với các sản phẩm xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nêu rõ: Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đây là xu thế “khó tránh khỏi” khi các thị trường lớn bảo vệ DN bản địa. Tuy nhiên, để hạn chế các vụ kiện này, nhất là các vụ liên quan đến vấn đề cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính theo dõi, nắm bắt những biến động bất thường trong hoạt động xuất khẩu sang một số thị trường để từ đó kiểm tra, xác minh và xử lý phù hợp đối với các hành vi gian lận.

Còn theo Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang, để phòng tránh những thiệt hại từ những vụ kiện PVTM cũng như áp dụng các công cụ PVTM nhằm bảo vệ chính mình, các DN sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cần tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh, xem xét chiến lược xuất khẩu để phòng ngừa rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc. Cùng với đó, DN thường xuyên liên lạc với Bộ Công Thương để được tư vấn kịp thời về những thay đổi pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật của các thị trường xuất khẩu, qua đó hoạt động kinh doanh trong hành lang pháp lý an toàn, đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu dài.

Ý kiến của nhà quản lý, chuyên gia kinh tế cho thấy, để tránh các vụ kiện PVTM, đòi hỏi DN cần trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, đồng thời hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô, tăng cường xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, qua đó khẳng định thương hiệu Việt Nam. Quan trọng hơn cả, DN Việt không nên vì lợi ích trước mắt tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ của DN nước ngoài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần