Hàng Việt hết thời “ăn xổi”

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nền kinh tế Việt Nam đang ở thời kỳ hội nhập sâu rộng, DN muốn tồn tại và phát triển bền vững phải có sức cạnh tranh, phải tôn trọng những giá trị cốt lõi trong cạnh tranh đó là chất lượng sản phẩm vì đã qua rồi thời “ăn xổi”, hay “hớt váng”…

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Không ngừng nâng cao chất lượng

Nói về việc muốn chiếm được lòng tin người tiêu dùng (NTD), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khóa Việt - Tiệp Lương Văn Thắng chia sẻ, mỗi năm DN này đầu tư 35 - 40 tỷ đồng nâng cấp dây chuyền sản xuất; đưa ra thị phường sản phẩm tốt, bền, đẹp nhưng không tăng giá bán. Nhờ đó, khóa Việt - Tiệp được NTD ưa chuộng. “Việc nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm là yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng 8 - 10%/năm của DN” - ông Lương Văn Thắng khẳng định.
Các cơ quan quản lý cần đưa ra nhiều hơn những chính sách bảo vệ hàng hóa mang thương hiệu Việt. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật cần hoàn thiện hơn, giúp DN có môi trường kinh doanh bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu; đồng thời nên tạo cơ hội cho DN tiếp cận mặt bằng trong quá trình xây dựng hệ thống bán lẻ.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Tiến Vượng

Chia sẻ về bí quyết lấy lòng NTD trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thạch Bàn Nguyễn Trọng Kiên cho biết: DN đã lựa chọn đầu tư công nghệ sản xuất của Italia, đáp ứng yêu cầu đa dạng mẫu mã sản phẩm, tăng năng suất, tiết kiệm chi phí... Trong chặng đường chinh phục NTD Việt, quạt Điện cơ Thống Nhất đã thay đổi mẫu mã nhiều lần; từ chiếc quạt thô sơ, nhiều chi tiết bằng gang dễ gỉ do thời tiết, khối lượng nặng… đến nay đã gọn, nhẹ, mẫu đẹp, chạy êm, ít tốn điện và có chức năng điều khiển từ xa như quạt Nhật Bản, nhưng giá bán chỉ bằng 1/2 - 1/3 sản phẩm nhập khẩu. Nhờ đó, các sản phẩm của Điện cơ Thống Nhất không chỉ chiếm lĩnh thị trường nội địa mà còn xuất khẩu.

Khóa Minh Khai, gạch ốp lát Thạch Bàn, sản phẩm điện cơ Thống Nhất… chỉ là những DN trong hàng nghìn DN Việt đã đẩy mạnh đầu tư nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, chiếm được lòng tin NTD. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, sau 10 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tỷ lệ hàng Việt chiếm 80 - 90% tại các kênh phân phối hiện đại, 60% tại các kênh bán lẻ truyền thống.

Sát cánh cùng doanh nghiệp

Hiện tại, DN Việt chủ yếu là DN vừa và nhỏ nên nguồn lực yếu, khó đầu tư cải tiến mẫu mã sản phẩm. Không những thế, trong khi DN nước ngoài vay vốn ngân hàng đầu tư sản suất chỉ phải trả lãi 2%/năm thì DN Việt phải chịu mức lãi suất vay trung và dài hạn đến 11%. Đó cũng là khó khăn cho DN Việt phát triển.
Nhiều đề tài, dự án của các đơn vị nghiên cứu đã được DN ứng dụng trong thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển thị trường KH&CN. Hoạt động liên kết này cho thấy, để hàng Việt đủ sức cạnh tranh, đòi hỏi phải đẩy mạnh việc liên kết giữa DN với các nhà khoa học, từ đó mới giúp DN đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Giá cạnh tranh có thể xem là vấn đề cốt lõi để tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) TS Hà Quý Quỳnh

Nhằm hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện hiệu quả về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Trong đó, chú trọng hỗ trợ cho DN Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa. Đây là điều kiện quan trọng giúp hàng Việt Nam tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh, chinh phục NTD trong nước. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Hà Nội cam kết hỗ trợ tối đa cho DN tiếp cận công nghệ, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Trong những năm qua, TP đã hỗ trợ 500 DN, 20 làng nghề xây dựng thương hiệu. Trước mong muốn tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất, TP đã hỗ trợ lãi suất vay sau đầu tư cho các DN, giúp DN bù đắp một phần chi phí lãi vay. Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Ngân hàng Ngoại thương giới thiệu về các gói vay ưu đãi 5.000 tỷ đồng cho hơn 500 DN sản xuất kinh doanh hàng Việt; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kết nối ngân hàng - DN với tổng số vốn ký kết gần 3.000 tỷ đồng. TP cũng đã tích cực tổ chức Chương trình liên kết vùng miền, qua đó đã ký kết trên 3.000 biên bản ghi nhớ, hỗ trợ trên 800 sản phẩm mới của các địa phương tiêu thụ tại các kênh phân phối Hà Nội...

Phát biểu tại một hội thảo mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định: Trong thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN xây dựng, quảng bá thương hiệu Việt. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư mở rộng sản xuất. “Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, bản thân các DN cũng cần nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm thông qua việc chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh.
Trong bối cảnh bùng nổ cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi mỗi DN phải không ngừng nỗ lực, sáng tạo, mang lại những giá trị thực hữu ích, góp phần vào sự phát triển bền vững, khẳng định vị trí của DN. Eurowindow đã nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu của KH&CN vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện hệ thống cửa thông minh, sản phẩm nội thất như mành, rèm của Eurowindow đều được vận hành bằng nút bấm và được tích hợp trên hệ điều hành Android và IOS của Smartphone. Đây được xem là những đổi mới ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Tổng Giám đốc Eurowindow Nguyễn Cảnh Hồng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần