Hàng Việt “hụt hơi” tại thị trường ASEAN

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với quy mô 660 triệu dân, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội mới cho các DN Việt Nam tiêu thụ hàng hóa. Thế nhưng sau 3 năm tham gia AEC, DN Việt vẫn chưa thực sự khai thác được thị trường này.

Nhập siêu từ ASEAN

Thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, nếu như năm 2016, kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam vào khu vực này chiếm 9,8% trên tổng kim ngạch XK thì đến năm 2017, tỷ lệ này chỉ nhích lên mức 11%. Riêng trong 9 tháng năm 2018, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 18,32 tỷ USD nhưng lại nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 23,23 tỷ USD, đưa nhập siêu từ các nước thuộc ASEAN lên đến 4,91 tỷ USD.
 Hàng Việt bày bán tại thị trường Campuchia.
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Thị Tuệ Anh, ASEAN là thị trường chung không biên giới nhưng Việt Nam không tận dụng nên kim ngạch XK vào ASEAN thấp hơn các nước khác trong khu vực. Trong tổng số 100% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam XK ra thế giới thì chỉ có 9,8% vào thị trường ASEAN. Trong khi đó, tỷ lệ XK trung bình của các nước ASEAN vào nội khối là 24%. Điều đó cho thấy, DN Việt còn khá mơ hồ về thị trường này.

Về việc khai thác thị trường ASEAN, Giám đốc Công ty TNHH Benew Nguyễn Thị Hải Yến (DN dệt may chuyên XK vào thị trường ASEAN) nêu rõ: Mặc dù ASEAN là thị trường mở, thuế XK giảm, giao thương dễ dàng... nhưng hàng Việt lại vắng bóng ở thị trường này, trong khi hàng hóa của họ lại được bày bán nhiều tại Việt Nam. Phân tích nguyên nhân hàng Việt chưa có mặt tại thị trường ASEAN, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Thị Hải Thanh cho rằng: Hầu hết các nước Malaysia, Thái Lan hay Campuchia đều đánh giá hàng Việt có chất lượng tốt. Tuy nhiên, so với các DN trong khối ASEAN, DN Việt Nam có tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm hạn chế, hơn nữa hệ thống phân phối hàng hóa còn kém, chưa kết nối chặt chẽ với các cơ quan phụ trách xúc tiến, ngoại giao nên DN chưa trang bị đủ điều kiện để XK vào các nước đạo Hồi và chưa nắm rõ các rào cản kỹ thuật, pháp lý của các nước trong khu vực...

Với nhiều điểm hạn chế như vậy nên hàng Việt vẫn chưa có nhiều đột phá khi XK vào thị trường ASEAN, dù AEC đã thành lập được gần 3 năm.

Lối đi nào cho DN Việt?

Thời gian qua, tận dụng cơ hội ASEAN giảm thuế, Công ty Gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu Quang Vinh chuyển hướng tới khu vực ASEAN. Đến nay, sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ của Công ty đã đứng vững trên thị trường Lào. Giám đốc Công ty Gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu Quang Vinh Hà Thị Vinh cho biết: Lào là thị trường nhỏ nên thị phần XK rất khiêm tốn, nhưng đây là bước khởi đầu để hàng hóa của Công ty thâm nhập sâu vào thị trường các nước ASEAN.

Thành công của Công ty Quang Vinh cho thấy, DN muốn tăng kim ngạch XK vào thị trường khu vực đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm, đón đầu xu hướng tiêu dùng của người dân bản địa. Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, hàng rào thuế quan trong khu vực ASEAN đã được dỡ bỏ, hiện tỷ lệ bãi bỏ thuế quan ở các nước ASEAN-6 là 98%; của Việt Nam, Lào và Myanmar là 91% và đang phấn đấu đạt tỷ lệ 98% trong năm 2018 này.

Nhờ đó, các DN sẽ được hưởng những yếu tố tích cực qua việc tăng khối lượng trao đổi thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng kim ngạch XK, mở rộng thị phần… Tuy nhiên, để hàng hóa Việt thâm nhập sâu thị trường ASEAN, đòi hỏi DN phải nắm rõ thị trường, tăng cường kết nối DN bán lẻ để xây dựng kênh phân phối riêng và quan tâm nhiều hơn đến những hàng rào phi thuế quan.

Cũng theo các chuyên gia và nhà quản lý, DN Việt sẽ khó thâm nhập thị trường ASEAN nếu không chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh cụ thể, đặc biệt về thương hiệu và chất lượng để kinh doanh quy mô và phát triển dài hạn trong tương lai. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng chương trình hành động cụ thể cho DN, bởi lâu nay Việt Nam mới chỉ quan tâm đến đàm phán để ký kết các hiệp định, chưa thật sự có hành động cụ thể.