Hàng Việt rộng cửa vào Australia

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Australia là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu lớn về hàng hóa và là một trong những thị trường xuất khẩu (XK) lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, để nâng cao kim ngạch và giá trị gia tăng hàng XK đòi hỏi DN phải nắm rõ những quy định pháp luật của Australia và tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến.

100% dòng thuế sẽ được cắt giảm
Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, theo lộ trình Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia/New Zealand (AANZFTA ký năm 2010), năm 2018, Australia cắt giảm 90% các loại thuế nhập khẩu hàng hóa, năm 2020 sẽ cắt giảm 100% thuế xuống 0%. Đây là cơ hội để DN Việt Nam XK hàng hóa sang thị trường này.
 Vải lục ngạn bày bán tại Australia. Ảnh: Lê Nam
Từ năm 2010 đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Australia tăng trưởng trung bình 10%/năm. Riêng trong năm 2017, tổng kim ngạch hai chiều Việt Nam - Australia đã đạt hơn 6,46 tỷ USD, tăng 22,9% so với năm 2016. Trong đó, Việt Nam XK sang Australia 3,23 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ.

Theo Tham tán thương mại Australia Nguyễn Hoàng Thúy, hàng hóa XK được Australia nhập khẩu sẽ có thêm cơ hội XK tới các quốc gia khác bởi Australia là một trong quốc gia có tiêu chuẩn nhập khẩu cao nhất thế giới. “Tập đoàn SunRice đang nhập đến 50% sản lượng gạo Japonica Việt Nam, sau đó tái xuất tới nhiều quốc gia khác. Sắp tới, SunRice dự định đầu tư 100 - 200 triệu USD vào ngành lúa gạo Việt Nam và đây là cơ hội để gạo xuất xứ từ Việt Nam, mang thương hiệu SunRice sẽ được tiêu thụ ở nhiều thị trường trên thế giới” - ông Thúy nói.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á (Bộ Công Thương) Nguyễn Phúc Nam nêu thêm dẫn chứng, hiện rau quả và thủy sản là 2 mặt hàng Việt Nam có thế mạnh XK vào thị trường này. Dù Australia là nước nông nghiệp nhưng trái cây Việt Nam XK sang Australia là trái mùa nên có khả năng tiêu thụ với giá cao. Ví dụ như vải thiều trở thành trái cây tươi đầu tiên được XK vào Australia và theo đề nghị của Việt Nam, Australia đã mở cửa cho trái xoài, đồng thời đang tiến hành những thủ tục tiếp theo cho một số trái cây khác như thanh long, chanh leo. Dự kiến năm 2019 Australia có thể mở cửa cho nhãn Việt Nam XK vào thị trường này. Đối với mặt hàng thủy sản, hiện nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này ở Australia khoảng 1 triệu tấn/năm, trong khi sản lượng nước này chỉ đạt 220.000 tấn và Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Thái Lan, New Zealand).

Doanh nghiệp cần chủ động

Mặc dù Australia là thị trường lớn, song hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam xuất hiện trong các hệ thống siêu thị lớn ở Australia còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân là do DN Việt chưa nghiên cứu bài bản về hệ thống bán lẻ, cách tiếp cận, các quy định về VSATTP cũng như các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật để có định hướng rõ ràng cho XK hàng hóa. Chưa kể việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm Việt tại các hệ thống siêu thị vẫn còn bỏ ngỏ. Ông Nguyễn Phúc Nam chia sẻ thêm, Australia yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa rất cao, do đó, các DN XK cần đặc biệt lưu ý để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm hàng hóa XK, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật đúng với yêu cầu của thị trường mới có thể tận dụng cơ hội XK bền vững.

Đặc biệt, các nhà nhập khẩu Australia không thích mặc cả. Họ sẵn sàng thương thảo nhưng không mặc cả để có mức giá giảm từ 20% trở lên. Nếu nhà cung cấp đưa ra mức giá không thực tế, nhà nhập khẩu Australia sẽ không xem xét đến đơn chào hàng. Do vậy, khi báo giá cho nhà nhập khẩu Australia, DN Việt phải đưa ra mức giá hợp lý.

Để gỡ khó cho các DN Việt, ông Brian Oreilly - Giám đốc Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (Auscham) khuyến cáo, hàng hóa Việt khi XK phải được dán nhãn phù hợp với các thông tin về nước sản xuất và xuất xứ, miêu tả chính xác về hàng hóa, địa chỉ người XK và người nhập khẩu. Nhãn phải được viết bằng tiếng Anh, gắn liền với hàng hóa, ở vị trí dễ nhận biết và dễ đọc. Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm hàng hóa XK, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật đúng với yêu cầu của thị trường mới có thể tận dụng cơ hội XK bền vững vào Australia.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần