Hàng Việt sẽ gặp khó thời FTA

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ nhưng cũng khiến hàng Việt đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập.

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ban Chỉ đạo T.Ư cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Cơ hội và thách thức song hành
Theo Ban Chỉ đạo T.Ư cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", sau hơn 10 năm triển khai, các DN Việt đã nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, không ngừng cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm nội chất lượng đến người tiêu dùng trong nước.
 Khách hàng chọn mua hàng tại siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những năm gần đây CVĐ đã góp phần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu.
“Trong bối cảnh dịch Covid - 19 đang “gõ cửa” từng nước, nên các DN Việt Nam phải phát huy hết năng lực sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng” - ông Hải nhấn mạnh. Việc thực hiện các FTA thế hệ mới, đặc biệt EVFTA và IPA được ký kết, dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2020... sẽ tạo “cú hích” cho DN xuất khẩu hàng Việt sang các nước khối EU.
Tuy nhiên, những FTA này cũng khiến DN Việt Nam đứng trước cuộc cạnh tranh gay gắt, hàng hóa nước ngoài nhập trong khi DN Việt Nam chủ yếu là DN vừa và nhỏ, sức cạnh tranh không cao... Nói về những thách thức trong quá trình thực thi các FTA, Giám đốc phụ trách xuất khẩu của Tập đoàn TBS Group Phan Văn Phương nhận định: FTA yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ chặt, sản phẩm muốn được hưởng ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU hoặc Việt Nam). Trong khi nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các nước trong ASEAN.
Đồng tình với nhận định này, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ EU đồng nghĩa với việc DN Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay tại sân nhà bởi DN EU có lợi thế hơn hẳn về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các FTA.
Thực tế triển khai CVĐ cho thấy mặc dù hàng Việt đã chiếm được lòng tin người tiêu dùng, tuy nhiên, nhiều DN sản xuất, kinh doanh chưa thực sự hưởng ứng CVĐ, nhất là không thấy được sức ép cạnh tranh của hàng ngoại trong quá trình hội nhập. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc chưa mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nên sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao...
Nâng chất lượng để cạnh tranh với hàng ngoại
Để vượt qua những thách thức này, yêu cầu đặt ra là các DN, bộ, ngành cần đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kể cả thương mại điện tử qua biên giới, qua đó tạo điều kiện cho hàng Việt Nam tiêu thụ. Đồng thời xử nghiêm tình trạng DN dán mác hàng Việt Nam trên hàng hóa có xuất xứ nước ngoài để tiêu thụ, trục lợi… ảnh hưởng xấu đến hình ảnh hàng Việt.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống, trong năm 2020, Việt Nam cần quan tâm phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, tạo cơ sở phát triển sản xuất trong nước, tránh phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài nhất là Trung Quốc. Đồng thời thúc đẩy thực hiện các đề án phát triển thương hiệu quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh, qua đó để hàng hóa Việt không chỉ chinh phục người Việt Nam mà còn chinh phục thị trường thế giới.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Cần huy động sự vào cuộc của hàng triệu kiều bào Việt Nam trong việc giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, phát triển các kênh phân phối tới người Việt Nam ở nước ngoài.
Đồng thời, cần sử dụng hiệu quả thương mại điện tử xuyên biên giới, thay đổi hình thức tiếp thị quảng cáo, tài liệu tuyên truyền phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi địa phương. Ngoài ra cần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng hàng Việt, từ đó khẳng định vị trí trên thị trường thế giới.

Trong năm 2020, Bộ Công Thương sẽ tăng cường các hoạt động kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng Việt Nam tại thị trường nội địa qua đó hỗ trợ DN Việt Nam ứng phó với dịch Covid-19 gây ra sau khi dịch bệnh kết thúc. Tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tổ chức Chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần