Hành vi xâm hại trẻ cần phải bị lên án

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các hành vi xâm hại trẻ em ở bất cứ đâu, tại Thụy Điển hay Việt Nam hoặc trong môi trường, hoàn cảnh nào đều không thể chấp nhận được và cần phải bị lên án.

Đây là chia sẻ của Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg trong buổi lễ công bố và ra mắt cuốn sổ tay “Hãy tôn trọng! Đây là cơ thể tôi!” tại Hà Nội ngày 23/5. Buổi lễ được Đại sứ quán Thụy Điển, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Việt Nam cùng Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội trực thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội phối hợp tổ chức.

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg chia sẻ kinh nghiệm trong lễ ra mắt cuốn sổ tay "Hãy tôn trọng! Đây là cơ thể tôi!".

Theo Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg, đầu tư cho trẻ em và thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm phòng ngừa, bảo vệ các em khỏi bạo lực và lạm dụng là ưu tiên hàng đầu của tất cả chúng ta. Nếu chúng ta đã từng nói chuyện với con mình hoặc cố gắng nói chuyện về những vấn đề liên quan đến cơ thể, những giới hạn và những mối quan hệ thân mật, hẳn chúng ta đã đối mặt với cảm giác không thoải mái hoặc ngại ngùng.

“Là cha mẹ và là người lớn, chúng ta thường tránh những chủ đề gợi nỗi sợ hãi hoặc những suy nghĩ không đúng đắn ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm tại Thụy Điển cho thấy, việc trò chuyện cở mở với trẻ về quyền đối với chính cơ thể mình và những giới hạn cần thiết khi tiếp xúc cơ thể là rất quan trọng”, Đại sứ Pereric Hogberg chia sẻ.

Giám đốc Quốc gia Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam Dragana Strinic.

Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam Dragana Strinic cho rằng, không có công việc nào tuyệt vời hơn, song lại khó khăn hơn việc làm cha mẹ. Kể từ thời khắc trở thành cha mẹ, cuộc sống của chúng ta thay đổi và mối quan tâm lớn nhất của các bậc cha mẹ là làm thế nào để đảm bảo cho các con lớn lên an toàn, mạnh khỏe và vui vẻ.

Tuy nhiên, theo bà Dragana Strinic, trẻ em vẫn thường xuyên gặp nguy hiểm và thậm chí là bị xâm hại. Thời gian gần đây, tại Việt Nam, công chúng đã và đang được thông báo về rất nhiều vụ xâm hại trẻ em, bao gồm xâm hại tình dục. “Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có hơn 1.200 vụ xâm hại tình dục trẻ em đã được ghi nhận tại Việt Nam trong năm 2016. Những hành vi xâm hại đã và đang tác động nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ”, bà Strinic cho biết.

Cuốn sổ tay “Hãy tôn trọng! Đây là cơ thể của tôi”, do tổ chức Cứu trợ Trẻ em Thụy Điển phát hành lần đầu trong một chiến dịch tích hợp nhằm ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em. Cuốn sách đưa ra những lời khuyên hữu tích và tư vấn giúp cho các bậc phụ huynh, giáo viên, những người làm chính sách, các cán bộ trong ngành giáo dục, các tổ chức NGO và những người lớn về cách giáo dục trẻ em ở các lứa tuổi khác nhau để tự bảo vệ mình khỏi bị lạm dụng tình dục.

Các đại biểu tham gia chương trình.

GS. TS Phạm Quang Minh - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn chia sẻ: Với cách tiếp cận dễ hiểu, cuốn sách cung cấp những gợi mở làm thế nào để nói chuyện một cách thoải mái, cởi mở về các chủ đề tình dục một chủ đề vốn khá khó khăn và cũng như các bộ phẩm nhạy cảm, riêng tư trên cơ thể mỗi con người; thế nào là các động chạm an toàn và không an toàn và những gì được phép và không được phép khi người lớn có những tiếp xúc với các em.

Đây là một cuốn sách thiết thực giúp tăng cường sự tự tin của các em và là một công cụ thiết thực ngăn ngừa lạm dụng tình dục trẻ em. Cuốn cẩm nang này đã được xuất bản bằng tiếng Thụy Điển, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập... và nay là bằng tiếng Việt.