Hành xử theo số đông

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ định của Đức đưa tàu chiến đến khu vực Biển Đông gây phản ứng rất khác nhau giữa Mỹ và Trung Quốc.

Không có gì là khó hiểu khi Mỹ hài lòng bao nhiêu thì Trung Quốc ngược lại bấy nhiêu. Sau gần hai thập kỷ, Đức mới lại cho tàu chiến đến khu vực xa xôi này. Cho dù chỉ là một khinh hạm chứ không phải những chủng loại tàu chiến hiện thân cho thể diện và tiềm lực hải quân như của một số bên khác, Đức vẫn có thể tham gia cuộc chơi lớn về địa chính trị thế giới đang có chiều hướng diễn ra rất sôi động ở khu vực Đông Á nói chung, Biển Đông nói riêng.

Phía Đức ngay từ đầu đã quả quyết không hoạt động ở bên trong phạm vi 12 hải lý của các nước trong khu vực.
Thực chất, đây là động thái của Đức chủ yếu nhằm để ngăn ngừa và xoa dịu phản ứng gay gắt từ phía Trung Quốc. Nước Đức không có uy lực quân sự hải quân như Mỹ, không có ưu thế chính trị thế giới như Anh hay Pháp, không xung khắc lợi ích chiến lược cơ bản lâu dài như Nhật Bản và Australia nên thực chất không cần phải có thái độ cứng rắn, hành động kiên quyết như các nước nói trên đối với Trung Quốc ở khu vực này. Nhưng nếu muốn gây dựng, tăng cường ảnh hưởng, vai trò, vị thế chính trị thế giới thì hiện diện quân sự trực tiếp ở khu vực này lại là cách thức thích hợp nhất, thức thời nhất và hứa hẹn hiệu quả nhanh chóng. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình cục diện chính trị an ninh hiện tại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và ở khu vực Biển Đông nói riêng.
Đức là thành viên của EU và NATO mà cả hai tổ chức này đều đã nhìn nhận Trung Quốc là thách thức, mối nguy hiểm thuộc diện hàng đầu đối với tương lai. Nước Đức không đi đầu mà chọn cách đi theo sau trong chuyện đưa tàu chiến đến khu vực. Sách lược này là hành xử theo số đông để tránh bị Trung Quốc phản ứng riêng.