Hapro sau cổ phần hóa: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 6 tháng bán cổ phần ra công chúng và tổ chức đại hội cổ đông lần đầu, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) -Thành viên Tập đoàn BRG đã có những chuyển biến rõ nét, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu.

Xuất khẩu mục tiêu phát triển dài hạn
Chủ tịch Tập đoàn BRG kiêm Chủ tịch HĐQT Hapro Nguyễn Thị Nga cho biết: Sau khi cổ phần hóa, Hapro xác định trọng tâm phát triển của DN trong thời gian tới là đẩy mạnh và nâng cao kim ngạch xuất khẩu, qua xuất khẩu sẽ dần đưa Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực, và là công ty chủ lực của Tập đoàn BRG trong lĩnh vực xuất khẩu, gắn thương hiệu xuất khẩu Hapro với thương hiệu của Tập đoàn.
Tổng Giám đốc Vũ Thanh Sơn (thứ 2 từ phải sang) và đại diện DN UAE tại Hội chợ quốc tế công nghiệp thực phẩm SIAL (Pháp).
Để làm được điều này, trong thời gian tới Hapro tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chủ lực của Việt Nam tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Phấn đấu đến năm 2020, tổng doanh thu của Hapro đạt khoảng 9.000 tỷ đồng (tăng 45% so với năm 2018) với 80% doanh thu đến từ kinh doanh xuất khẩu; kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD (tăng 66% so với năm 2018). Đặc biệt, Hapro phấn đấu xây dựng thành công 5 mặt hàng xuất khẩu gồm: Gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thủ công mỹ nghệ... qua đó đưa Hapro nằm trong top 5 DN xuất khẩu hàng đầu cả nước.

Lãnh đạo Hapro cũng cho biết thêm, DN đã đề ra mục tiêu phát triển kinh doanh xuất khẩu một cách bền vững, do đó, trong thời gian tới Hapro sẽ tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu đối với những mặt hàng xuất khẩu chính, đồng thời xây dựng một số nhà máy chế biến như: Nhà máy chế biến gạo, nhà máy chế biến tiêu sạch tại Bình Dương, mở rộng nhà máy chế biến hạt điều tại Bình Phước… Thông qua hoạt động đầu tư vùng nguyên liệu sản xuất, nhà máy chế biến nông sản Hapro phát triển một số sản phẩm mang thương hiệu riêng xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống bán lẻ nước ngoài, gia tăng giá trị cho hàng nông sản của Việt Nam.

Thành công từ hoạt động xúc tiến thương mại

Hapro đặc biệt quan tâm đến việc xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm, thương hiệu. Trong thời gian qua, Hapro đã tham gia các hội chợ nông sản, thực phẩm qua đó tổ chức các chương trình kết nối với DN nước ngoài, củng cố các mối liên hệ với thương vụ, đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam

Tổng Giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn cho biết, việc Hapro đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua tham dự hội chợ, hội nghị quốc tế như: Hội nghị Hạt & Quả khô quốc tế INC, Hội chợ Worldfood Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và Worldfood Moscow (Nga)… đã thu được những thành công trong hoạt động xuất khẩu. Cụ thể liên tục trong tháng 5 và 6/2018, Hapro đã xuất khẩu vải thiều Thanh Hà vào thị trường Malaysia; xuất khẩu gạo đóng bao 5kg, 10kg/túi vào chuỗi siêu thị Dubai. Đặc biệt, Hapro được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cấp mã số xuất khẩu gạo vào thị trường Mỹ, nhờ đó đã xuất khẩu thành công lô hàng gạo đầu tiên với 750 tấn vào thị trường khó tính này. Tại Hội chợ World Food Istanbul tổ chức vào tháng 8/2018 tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hapro đã ký được hợp đồng xuất khẩu nông sản với trị giá khoảng 1 triệu USD. Trong tháng 10 vừa qua, tại Hội nghị điều quốc tế và Hội nghị gạo thế giới tổ chức tại Việt Nam, Hapro đã ký hợp đồng xuất khẩu hạt điều tới thị trường Mỹ, châu Âu, trị giá 1 triệu USD; và 3 hợp đồng xuất khẩu gạo cho các khách hàng đến từ Mỹ và Malaysia, trị giá gần 2,5 triệu USD.

Trong những ngày tham gia Hội chợ quốc tế công nghiệp thực phẩm SIAL tổ chức từ ngày 20 - 27/10/2018 tại Pháp, gian hàng của Hapro đã tiếp hàng trăm khách hàng đến tìm hiểu cơ hội hợp tác. Tại hội chợ, Hapro đã ký được các hợp đồng xuất khẩu các mặt hàng nông sản gồm: Hạt điều, hạt tiêu, gạo cơm dừa, ớt, quế, hồi… trị giá khoảng 2 triệu USD. Trong thời gian tới, Hapro sẽ tiếp tục ký kết các hợp đồng xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Hapro như: Gạo, hạt tiêu, hạt điều, tinh bột sắn, rau củ quả chế biến, sấy khô, sấy dẻo.

Thực tế cho thấy nhờ thực hiện các giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, sau 4 tháng hoạt động theo mô hình Công ty CP, Hapro duy trì được nhịp độ phát triển trong sản xuất, kinh doanh. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 89 triệu USD, bằng 122% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu đạt 3.905 tỷ đồng, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2017. Một số mặt hàng xuất khẩu tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao, như: Hạt điều đạt 62 triệu USD, tăng 15%; gạo đạt gần 12 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017.

“Trong thời gian tới, với vai trò là DN thành viên của Tập đoàn BRG, Hapro sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm, sản phẩm hữu cơ, organic và các sản phẩm thực phẩm chế biến, một số loại hoa quả, rau vào các thị trường truyền thống và thị trường mới như Mỹ, Malaysia, châu Âu, Tây Á, một số nước châu Phi… Thông qua việc đẩy mạnh xuất khẩu, xúc tiến thương mại, Hapro tiếp tục làm tốt vai trò quảng bá, giới thiệu thương hiệu xuất khẩu BRG Export tới thị trường quốc tế” - ông Vũ Thanh Sơn chia sẻ.