Hậu bầu cử, ông Trump lập tức "thay" Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Động thái có thể xem là hành động "phòng thủ" đầu tiên của Tổng thống trước nhiều nguy cơ từ cuộc điều tra Nga khi Hạ viện "rơi vào tay" Đảng Dân chủ.

Chỉ một ngày sau cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đã từ chức theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump đưa ra trước đó, điều có khả năng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công tố viên đặc biệt Robert Mueller trong kế hoạch điều tra yếu tố Nga liên quan đến Tổng thống.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Jeff Sessions. 
"Theo yêu cầu của ngài (ông Trump), tôi đang gửi đơn từ chức của mình đây", ông Sessions viết trong một bức thư chiều 7/11 (giờ địa phương), hiện chưa được công bố chính thức nhưng đã được truyền thông nắm bắt thông qua các quan chức cấp cao của Nhà Trắng.
Hồi tháng 8 năm nay, ông Sessions cũng đã có cuộc "khẩu chiến" khá căng thẳng với Tổng thống Trump khi ông chủ Nhà Trắng chỉ trích Bộ trưởng Sessions không kiểm soát được cơ quan của mình khi vẫn để ông Mueller tự do tiến hành cuộc điều tra mà theo ông Trump là "đang vấy bẩn nước Mỹ". Đáp lại, ông Sessions khẳng định: "Trong thời gian tôi còn là Bộ trưởng, hành động của Bộ Tư pháp sẽ không thể bị bẻ cong bởi những mục đích chính trị".
Cũng trong ngày 7/11, Tổng thống Trump đã thông báo rằng ông Matthew G. Whitaker - tham mưu trưởng của ông Sessions, đồng thời nổi tiếng với nhiều chỉ trích về cuộc điều tra của ông Mueller - sẽ tạm thời lãnh đạo Bộ Tư pháp cho đến khi chính thức được đề cử "vào một ngày sắp tới", khi được Thượng viện Mỹ thông qua.
Bộ Tư pháp cũng cho biết ông Whitaker sẽ đảm nhận sự vai trò giám sát hoạt động của công tố viên đặc biệt Robert Mueller và văn phòng của ông này từ Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein. Văn phòng của ông Mueller hiện vẫn từ chối bình luận về quyết định mới này.
Trong vòng một năm qua, ông Whitaker được cho là đã liên tục cảnh báo ông Mueller "giới hạn phạm vi điều tra của mình" đối với Tổng thống, cho rằng công tố viên đặc biệt đã "vượt qua giới hạn nguy hiểm" khi tiến hành điều tra tài chính của gia đình ông Trump.
Nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng Dân chủ đã đưa ra phản ứng khá rõ ràng đối với quyết định sa thải mới nhất từ Tổng thống đương nhiệm, khi Thượng nghị sĩ Chuck Schumer khẳng định sẽ xem "việc bảo vệ ông Mueller và cuộc điều tra của ông là mục tiêu tối thượng"; hay Phó Chủ tịch Ủy ban Thượng viện về tình báo điều tra quan hệ Trump - Nga Mark Warner thì nhấn mạnh: "Không ai đứng trên luật và bất cứ nỗ lực can thiệp nào đến cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt đều là một sự lạm dụng quyền lực...Tổng thống có thể có thẩm quyền thay thế Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhưng đây không phải là cách hữu hiệu để cản trở hay chấm dứt cuộc điều tra của ông Mueller".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần