Hậu Brexit, Na Uy có thể ngăn Anh tái gia nhập EFTA

Hà PhươngTheo The Guardian
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chính trị gia Na Uy sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis để thảo luận việc Anh có thể tái gia nhập Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) sau khi chính thức rời Liên minh châu Âu (EU).

Hậu Brexit, chính phủ Na Uy nhiều khả năng sẽ ngăn chặn việc tái gia nhập EFTA của Anh.
Hậu Brexit, chính phủ Na Uy nhiều khả năng sẽ ngăn chặn việc tái gia nhập EFTA của Anh.
Theo đó, trong vài tuần tới, một số thành viên của chính phủ Na Uy sẽ có cuộc đàm phán song phương với Bộ trưởng David Davis. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng, chính phủ Na Uy nhiều khả năng sẽ ngăn chặn nỗ lực của Anh trong việc tái gia nhập EFTA.

Là một quốc gia châu Âu, nhưng do sau 2 lần bỏ phiếu, lần gần nhất vào năm 1994, cử tri Na Uy vẫn chọn lựa ở bên ngoài EU. Tuy nhiên, Na Uy vẫn tham gia EFTA, thông qua việc là thành viên của Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA).

Bộ trưởng các vấn đề EU của Na Uy Elisabeth Vik Aspaker khẳng định, Anh chỉ có thể tái gia nhập EFTA nếu có sự đồng thuận của các nước, trong đó có Na Uy. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, nếu Anh tái gia nhập EFTA, sẽ phải thương lượng lại các điều khoản của những hiệp định và các vấn đề về giao dịch thương mại trong tương lai sẽ trở nên phức tạp hơn.

Trước đó, trong chiến dịch chuẩn bị trưng cầu dân ý về Brexit vừa qua, các thành viên chính phủ, trong đó có Thủ tướng Na Uy Erna Solberg đã nhiều lần kêu gọi cử tri cũng như chính phủ Anh không nên học theo Na Uy: “Đừng rời EU, các bạn sẽ hối hận về điều đó”.