Hầu đồng - bao giờ hết biến tướng?

Bài, ảnh: Hoàng Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, trong đó có loại hình di sản hầu đồng sau khi được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đã có nhiều biến tướng, đó là khẳng định của nhiều thanh đồng, chuyên gia tại hội thảo khoa học “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu trên địa bàn Hà Nội - nhận diện, bảo tồn và phát triển” do Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội tổ chức cuối tuần qua hướng đến kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam (23/11).

Tung tiền phô trương

Hơn một năm, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hầu đồng được thực hiện công khai, không còn chỉ diễn ra bí mật vào đêm như những năm 1980.

Liên hoan tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt diễn ra đầu tháng 11/2017 tại đền Rừng (Long Biên).

Theo nhà nghiên cứu Phạm Tứ - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam: “Thời gian qua, phong trào “hầu đồng” nở rộ, trong khi hiểu biết chung của một số thanh đồng về tín ngưỡng thờ Mẫu còn rất mù mờ dẫn đến thiếu nhất quán trong đào tạo và hành đạo”. Nhiều giá đồng tiền tỷ với vàng mã chất ngất, tung tiền lớn phô trương đã có ở Phủ Giầy (Nam Định), đền ông Hoàng Mười (Nghệ An). Thế nên, ông Tứ đề xuất nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh tục thờ Mẫu như chủ trương cấm đốt vàng mã, tổ chức các cuộc tọa đàm khoa học, tổ chức liên hoan diễn xướng hầu đồng… Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời. Thực tế, vẫn xuất hiện nhiều kiểu hầu đồng phản cảm, nhố nhăng... làm mất đi sự tao nhã của nghi lễ truyền thống.

“Sân khấu hóa” hầu đồng

Không chỉ có nỗi lo làm sai lệch giá trị di sản từ những hành động phô trương, mê tín dị đoan của các thanh đồng, các chuyên gia còn lo ngại phong trào sân khấu hóa hầu đồng đang phát triển mạnh. Điển hình là việc "ăn theo" danh hiệu của UNESCO, rất nhiều chương trình nghệ thuật đã được dàn dựng lấy nguyên mẫu từ hầu đồng.

Theo nhạc sĩ Thao Giang - Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, cuối những năm 1970, GS Đinh Gia Khánh, GS.TSKH Phan Đăng Nhật - những nhà sáng lập Viện Văn hóa dân gian Việt Nam đã tập hợp một số nghệ nhân, nhà nghiên cứu và diễn viên để trình diễn, giới thiệu nghệ thuật hát Chầu văn tới đông đảo công chúng. Mục đích của việc này là phân định các giá trị nghệ thuật, âm nhạc, vũ đạo, diễn xướng, trang phục… Tuy nhiên, khi sân khấu hóa lại vô tình làm tín ngưỡng thờ Mẫu bị “biến dạng” và mất đi giá trị thực, vì nhiều người nhầm lẫn giữa việc mô phỏng tín ngưỡng với việc thực hành chuẩn tại không gian điện thờ. Thanh đồng Lê Bá Linh - Ủy viên Ban Chủ nhiệm CLB Văn hóa thờ Mẫu và hát văn tại Hà Nội cho rằng, một số liên hoan nghi lễ hầu đồng được tổ chức chưa được chuẩn chỉnh về không gian, hình thái. Hầu đồng, diễn xướng quảng bá một cách tùy tiện, lợi dụng tâm linh để phục vụ những mục đích khác, không những làm ảnh hưởng tới những nét đẹp tiêu biểu của nghi lễ, mà còn làm mất đi niềm tin, tinh thần của mọi người trong cộng đồng xã hội đối với tín ngưỡng dân tộc.