Hầu hết các dự án BT lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ thầu

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (27/5), Quốc hội nghe báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Tỷ lệ đất đô thị dành cho giao thông chỉ 9%

Ông Vũ Hồng Thanh – Uỷ viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết: Quy hoạch đô thị trở thành một trong những công cụ hữu hiệu để quản lý đầu tư, xây dựng, phát triển đô thị, tuy nhiên còn có tồn tại, hạn chế.
 Ông Vũ Hồng Thanh – Uỷ viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo trước Quốc hội.
Theo báo cáo của Quốc hội, tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ đất đô thị dành cho giao thông chỉ 9%, trong khi theo quy hoạch phải đạt 20 – 26% đối với đô thị trung tâm; 18 – 23% đối với đô thị vệ tinh, 16 – 20% cho các thị trấn.
Tỷ lệ đất, bến bãi đỗ xe trên đất xây đựng đô thị là dưới 1%, trong khi yêu cầu phải đạt từ 3-4%. Nhiều địa phương còn chậm ban hành quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết ảnh hưởng đến công tác xây dựng đô thị.
“Theo báo cáo chưa đầy đủ, cả nước có 1.390 dự án có quy hoạch điều chỉnh từ 1 – 6 lần, quy hoạch điều chỉnh chủ yếu là tăng diện tích sàn, giảm diện tích đất cây xanh, công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật sang chức năng nhà ở”, ông Vũ Hồng Thanh cho biết.
Cũng theo ông Thanh, có những dự án đã được điều chỉnh theo đề xuất của nhà đầu tư, làm sai lệch lớn so với quy hoạch ban đầu, gây hệ luỵ lớn đến hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân.
“Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về không gian ngầm chưa được quan tâm thoả đáng. Có tình trạng một thửa đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhiều người, gây tranh chấp, khiếu nại, tố cáo phức tạp”, báo cáo giám sát của Quốc hội nêu rõ.
Áp dụng phổ biến hình thức chỉ định thầu không đảm bảo cơ sở pháp lý
Đặc biệt, trong báo cáo nhấn mạnh: “Một số địa phương không thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất và áp dụng phổ biến hình thức chỉ định thầu cho chuyển đổi đất mục đích thương mại, dịch vụ sang đất ở đô thị không đảm bảo thủ tục và cơ sở pháp lý.
Thậm chí, một số dự án còn bị điều chỉnh diện tích rừng phòng hộ, giao đất không đúng đối tượng, không có trong kế hoạch sử dụng đất, cho phép chuyển nhượng dự án khi chưa đủ điều kiện.
Ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư tại các khu vực có nguy cơ tiềm ẩn đến an ninh quốc phòng, có địa phương chưa thực hiện xin ý kiến Bộ Quốc phòng.
Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại nhiều địa phương vẫn còn chưa thực hiện đúng quy định, như việc mở rộng phạm vi thu hồi đất tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh.
Việc điều chỉnh địa giới hành chính đối với chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khác biệt giữa các địa phương gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng, đối với dự án còn đang dở dang. Ví dụ như dự án tại huyện Mê Linh (Hà Nội).
Theo báo cáo của Quốc hội về việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT, qua tổng hợp số liệu của 53 địa phương, hiện có 22 tỉnh, thành thực hiện dự án BT, việc triển khai các dự án thanh toán bằng quỹ đất còn bất cập, đặc biệt là việc xác định giá trị quyền sử dụng quỹ đất còn chưa đơn giản về phương pháp, thời điểm xác định, dẫn đến chênh lệch giá trị quỹ đất được sử dụng để thanh toán tại thời điểm tạm tính, làm cơ sở đấu thầu dự án đầu tư và khi có quyết định giao đất, cho thuê đất.
Hầu hết các dự án BT đều được chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, chưa phù hợp với quy định của luật đất đai, dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.