Hậu họa khó lường nếu không đặt ATTP đúng vị trí

Khắc Kiên thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên lề hội thảo với chủ đề: “Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm” do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Y tế Hà Nội và UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An xung quanh vấn đề ATTP.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cho rằng, nếu để mất ATTP thì dẫn đến bệnh tật và sẽ kéo theo nghèo đói. ATTP phải được đặt đúng vị trí của nó, nếu lãnh đạo chính quyền địa phương nào không quan tâm đến vấn đề là có lỗi với dân, có lỗi với đất nước.

Thưa bà, đâu là nguyên nhân của tình trạng mất ATTP thời gian qua?

- Thực tế, nếu sản xuất đảm bảo bảo ATTP thì chi phí cao, giá thành bị đội lên và khó bán. Chính vì thế, vì miếng cơm manh áo, con cái phải đi học nên người sản xuất mới lại chạy theo lợi nhuận mà sản xuất, chăn nuôi không đảm bảo ATTP, chưa kể nhập lậu nên thực phẩm bẩn vẫn còn trôi nổi trên thị trường... Có hiện tượng này là do một số bất cập trong quy hoạch. Mặc dù quy hoạch chăn nuôi đã có lò giết mổ, có quy định nhưng ngoài đường vẫn có những xe máy trở lợn để trần, rất mất vệ sinh. Hay quy hoạch trồng rau lại gần khu công nghiệp, phun thuốc không đúng quy định thì làm sao bảo đảm ATTP. Đặc biệt, do việc quản lý hóa chất sử dụng trong chăn nuôi chưa chặt. Đó là nguyên nhân dẫn đến người dân sử dụng tràn lan hóa chất, gây mất ATTP và ngành công thương phải chịu trách nhiệm về việc quản lý.
 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An trả lời phỏng vấn. Ảnh: Khắc Kiên

Để giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa bà?

- Phải tổ chức hỗ trợ cho người sản xuất, cụ thể hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi, nông sản, rau củ quả, rồi đến những người kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm đảm bảo ATTP. Đây là vấn đề an sinh xã hội nên phải minh bạch, rõ ràng trong trợ giúp, đừng để tình trạng đã có quỹ bình ổn, quỹ hỗ trợ nhưng hoạt động chưa hiệu quả, do giám sát chưa tốt nên một số nơi tiền hỗ trợ không đến đúng địa chỉ.

Bên cạnh đó, đã xảy ra hiện tượng khi phát hiện vi phạm đáng nhẽ xử phạt nhưng chỉ cần đưa một ít tiền là lực lượng chức năng có thể bỏ qua, thậm chí đó là thực phẩm quá đát, nguy hại hơn là thực phẩm chức năng quá đát gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Do đó, vấn đề đặt ra ở đây là nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, giám sát của cộng đồng. Và một trong những giải pháp quan trọng là lấy con người làm nòng cốt, chọn con người tốt, trong sạch, có trách nhiệm và đối xử với bằng cơ chế, chính sách tài chính để họ không cần phải nhận tiền của thương lái rồi bỏ qua vi phạm.

Đặc biệt, nên giao cho ngành y tế quản lý, họ có chuyên môn để kiểm tra được độ an toàn nếu phát hiện vi phạm xử phạt ngay, còn truy xuất nguồn gốc sau như vậy người dân mới yên tâm sử dụng. Như tôi đã nói, sẽ là hậu họa rất khó lường nếu không đặt vấn đề ATTP lên hàng đầu, đúng vị trí của nó. Đơn cử như du khách sẽ không dám đến nếu mất ATTP, nói xa hơn là ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nhân lực khi thế hệ tương lai lại quá dựa vào sữa với những công thức sẵn có, mà không hiểu rằng, từ thịt sạch, trứng sạch, rau sạch… trẻ nhỏ ăn vào mới phát triển một cách tự nhiên.

Bà đánh giá sao về việc Hà Nội đã quy hoạch lại các chợ nhằm hạn chế chợ cóc, chợ tạm có nguy cơ mất ATTP?

-Tôi đánh giá cao nỗ lực của TP khi tập trung về một số chợ đầu mối, chợ truyền thống để dễ kiểm soát và thay đổi thói quen của người dân tiện đâu mua đấy. Tuy nhiên, khi khảo sát, quy hoạch một số chợ chưa được kỹ nên khi xây xong đi vào hoạt động không đúng chức năng, công suất, không có người họp chợ. Thực sự gây lãng phí.

Về lâu dài thì nên xóa triệt để chợ cóc nhưng hiện tại nên cân nhắc cho phù hợp, bởi Hà Nội có đặc thù phố cổ, ngõ ngách, công nhân viên chức lương mấy triệu đồng không thể vào siêu thị, trung tâm thương mại để mua thực phẩm về sinh hoạt. Song, khi các chợ cóc, chợ tạm vẫn còn tồn tại đòi hỏi của chính quyền địa phương nâng cao vai trò trong công tác quản lý, còn nếu chỗ nào gây mất thẩm mỹ, cản trở giao thông, mất ATTP thì cương quyết dẹp bỏ…

Vậy bà có lời khuyên gì với người tiêu dùng?

-Người tiêu dùng đừng tham rẻ, đừng tin quá nhiều vào lời quảng cáo, khuyến mại có cánh nhưng chất lượng không đúng. Người tiêu dùng hãy cố gắng tìm những nơi bán quen, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng để sử dụng những thực phẩm an toàn cho gia đình.

Xin cảm ơn bà!