Khi sinh viên sa đà cờ bạc

Nguyễn Xuân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh viên sa đà vào lô đề, cờ bạc, cá độ bóng đá dẫn đến bỏ học triền miên, bị đuổi học không còn là chuyện hiếm.

Tuy nhiên, vụ sinh viên sa đà vào cá cược, nợ nần quẫn bách dẫn đến giết người xảy ra tại khu chung cư Royal City vừa qua thực sự là hồi chuông báo động.
Cứ tưởng con ngoan…

Nguyễn Văn Hạnh (SN 1992, trú tại huyện Sóc Sơn), từng học rất giỏi, thi đỗ vào một trường đại học lớn tại Hà Nội. Từ nhà đến trường ngót 60 cây số, nên bố mẹ cho Hạnh ở trọ để tiện việc học hành. Năm đầu tiên, Hạnh chăm chỉ học, đều đặn về thăm nhà và thường xuyên gọi điện thông báo kết quả học tập cho bố mẹ biết. Nhưng từ năm thứ 2 trở đi, số lần về nhà thưa dần rồi đến nghỉ hè, Hạnh cũng không về. Đã thế còn liên tục gọi điện về xin tiền bố mẹ, lúc thì để sửa máy tính, khi thì nộp tiền học ngoại ngữ. Bố mẹ thì chạy vạy vay mượn khắp họ hàng để gửi tiền theo yêu cầu của “quý tử”. Đến khi nhà trường gửi thông báo cho gia đình về việc Hạnh bỏ học triền miên và nợ nần, ông bà mới tá hỏa con mình mãi không thi hết các môn năm thứ 3, nên chán nản tự ý bỏ học. Hỏi thầy, hỏi bạn, bố mẹ Hạnh đau lòng khi biết: Trước ở nhà ngoan, nhưng từ ngày lên đại học, Hạnh sa đà vào cờ bạc. Hàng đêm, Hạnh thức để… khoanh chân đánh bài với nhóm thanh niên cùng khu trọ. Từ đây, Hạnh chuyển hướng sang lô đề, cá độ bóng đá. Không những vậy, Hạnh còn vay nợ mọi nơi mọi chỗ.

Phạm Thanh Tùng - nghi phạm vừa gây ra vụ án mạng tại chung cư Royal City.

Vụ án mạng xảy ra tại khu chung cư Royal City mà nghi phạm là Phạm Thanh Tùng - nguyên là sinh viên trường sư phạm TDTT ở Hà Nội. Tùng gây án khi chưa học hết năm thứ 3 đại học. Theo bạn bè và thầy cô trong trường đánh giá, vốn là sinh viên ngoan, nhưng vì sa đà vào cá cược bóng đá, Tùng học đuối dần và bỏ học triền miên. Nhà trường đã có những biện pháp nhắc nhở, nhưng Tùng vẫn "chứng nào tật nấy". Sau nhiều lần liên hệ với gia đình không được và qua nhiều cuộc họp xét kỷ luật, trường đã quyết định buộc Tùng thôi học. Về phía mình, do bị chủ nợ thúc giục khoản nợ 60 triệu đồng, nên trong cơn quẫn bách, Tùng đã ra tay sát hại người bạn quen qua mạng xã hội tại nhà riêng của chị để cướp tài sản về trả nợ, ăn tiêu.

Để “kéo” sinh viên khỏi nạn cờ bạc

Phân tích về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Phạm Mai Hương cho biết, sinh viên sa đà vào cờ bạc, phần do có ham mê từ trước, phần do bạn bè lôi kéo, rồi trở nên mê muội với trò đỏ đen lúc nào không hay. Hình thức chơi cờ bạc trong sinh viên cũng rất đa dạng như rủ nhau đánh bài, đánh chắn; chơi lô, đề qua điện thoại hay cá cược bóng đá qua mạng.

Con đường sinh viên nghiện cờ bạc thường giống nhau: Ban đầu lấy tiền ăn, tiền tiêu vặt bố mẹ cho nướng vào cờ bạc; hết thì vay bạn; không vay được sẽ nghĩ cách cắm thẻ sinh viên và những tài sản như xe máy, điện thoại, laptop bất kể là của mình hay đi mượn được. Với bố mẹ thì nói dối con vẫn bình thường, học tốt. Khi chơi quá nhiều dẫn đến nghỉ học nhiều, không học nên trượt, bỏ học rồi bị đình chỉ, đuổi học. Bố mẹ ở xa không hay biết, chỉ đến khi bạn cùng quê báo; nợ nần nhiều quá chủ nợ tìm về tận quê đòi hoặc học mãi không lấy được bằng, bố mẹ mới hốt hoảng về sự “học tốt” của con.

Sinh viên đánh bạc đã gây nên những nỗi buồn, nỗi đau cho gia đình, nhà trường và xã hội.

Làm thế nào để hạn chế tình trạng sinh viên chơi cờ bạc, Ths. Nguyễn Thanh Nga - giảng viên khoa Khoa học cơ bản, trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội cho rằng: Đối với những sinh viên chơi cờ bạc, nên giáo dục từ trong gia đình. Nếu bố mẹ nào cũng cố bao bọc, tạo cho con môi trường “sạch bệnh” nhất có thể, mà bỏ qua việc quan trọng là nâng cao “sức đề kháng” của con thì khi xa gia đình, con sẽ dễ “mắc bệnh” hơn. Đối với nhà trường, để giúp sinh viên có tinh thần tốt, nên tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để kéo sinh viên tránh xa tệ nạn xã hội, trong đó có cờ bạc. Lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống và các bài học đạo đức trong chương trình học; tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và đặc biệt liên hệ chặt chẽ với gia đình trong quản lý sinh viên.

Phần lớn sinh viên trở thành đối tượng trộm cắp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đều có nguyên nhân từ cờ bạc, nợ nần, mải chơi. Khi sa vào cờ bạc, thua rồi vay nợ và bị chủ nợ đòi, đồ đạc đã cầm cố hết, túi không có tiền, rất dễ dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật. 

Thiếu tá Luyện Huy Hoàng

Phó đội trưởng đội CSHS, CA quận Thanh Xuân

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần