Hậu Uber sáp nhập Grab: Thị trường ảm đạm, tài xế hoang mang

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 8/4, Uber và Grab "về chung một nhà", chấm dứt chuỗi thời gian dài cạnh tranh quyết liệt của hai hãng taxi công nghệ này tại Việt Nam.

Chưa nói đến mối lo ngại về sự độc quyền của Grab sau sáp nhập, hệ quả nhãn tiền cho cả người tiêu dùng và lực lượng lái xe đã bộc lộ rõ.

Lái xe than khổ

Là khách hàng quen thuộc của Uber từ nhiều năm nay, chị Trần Thanh Huyền (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Tôi cũng từng một vài lần sử dụng Grab để trải nghiệm và so sánh dịch vụ nhưng sau đó vẫn quyết định quay trở lại dùng Uber. Cái hay nhất của Uber so với Grab là không cho tài xế biết trước điểm đến nên hầu như không bao giờ tài xế từ chối phục vụ khi quãng đường ngắn.
 
Còn Grab thì ngược lại, do biết trước điểm đến, họ sẵn sàng hủy cuốc nếu như quãng đường đi quá ngắn”. Nhiều người tiêu dùng cũng phàn nàn, trong giờ cao điểm, giá sử dụng dịch vụ Grab đắt hơn so với Uber, tuy nhiên sau khi sáp nhập, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài Grab.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, sau 4 ngày Uber sáp nhập vào Grab, hoạt động của thị trường taxi công nghệ vẫn tương đối ảm đạm. Theo phản ánh của nhiều lái xe, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của Grab trong 4 ngày qua có phần sụt giảm so với trước ngày sáp nhập. Anh Đoàn Văn Thu - lái xe Grab Car tại khu vực BigC Thăng Long (đường Trần Duy Hưng) cho biết, trước đây anh chạy cho Uber nhưng khi hai hãng sáp nhập, anh phải đầu quân cho Grab để duy trì “cần câu cơm”. “Hồi trước, cứ trung bình khoảng 5 - 10 phút lại có một khách gọi xe. Nhưng từ hôm sáp nhập đến nay, khách gọi xe khá thưa thớt” - anh Thu nói.

Trước khi quyết định rút khỏi thị trường Việt Nam và sáp nhập vào Grab, Uber được xác định vẫn còn nợ thuế tại Việt Nam khoản nợ 67,7 tỷ đồng. Đến tháng 2/2017, DN này đã đồng ý trả thuế cho Cục Thuế TP Hồ Chí Minh số tiền 13,3 tỷ đồng, số nợ còn lại là 53,4 tỷ đồng.

Theo anh Thu, lượng khách giảm không phải nỗi lo lớn nhất của các tài xế Grab mà là mức chiết khấu nộp về công ty mẹ quá cao. Nếu tính cả thuế VAT, tài xế Grab phải nộp 24,5% với những tài xế làm việc cho Grab từ lâu, còn những “lái mới” vừa chuyển từ Uber sang mức chiết khấu này lên tới gần 29%. Để tồn tại được với hàng loạt những khó khăn này, lái xe không còn cách nào khác là phải tăng cường chạy thêm giờ nhằm bù lại phần thu nhập.

Làm rõ thị phần sau sáp nhập

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Vũ Vinh Phú – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, liên quan đến câu chuyện sáp nhập của Uber và Grab hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng sau sáp nhập, lực lượng lái xe của Uber nhập về Grab gặp khó khăn là điều dễ nhận thấy nhất. Ngoài ra, so với Uber trước kia, Grab không có nhiều chương trình khuyến mại bằng. Lợi ích của người tiêu dùng vì thế cũng giảm đi. Theo ông Phú, cần phải làm rõ, sau khi sáp nhập với Uber, thị phần của Grab có chiếm 30% thị trường không. Nếu chiếm 30% thị trường trở lên, theo luật thì phải đưa ra những biện pháp kiểm soát đối với Grab, trong đó có cả vấn đề giá thành nữa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định, việc xác định thị phần của Grab là điều các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể làm được. “Tiêu chí xác định thị phần Grab nên dựa vào số lượng xe tham gia thí điểm hợp đồng điện tử. Chỉ cần Bộ GTVT và Bộ Công Thương kết hợp lại là có thể xác định được khi Uber và Grab kết hợp lại thì có bao nhiêu xe” - ông Thanh phân tích. Tuy nhiên, theo ông Thanh, việc xác định thị phần của Grab sau khi sáp nhập cần được thực hiện khẩn trương. Bởi nếu chậm trễ, dẫn đến việc chuyển giao sáp nhập của hai đơn vị này đã xong xuôi thì kể cả khi đó có kết quả điều tra về thị phần của Grab, cũng rất khó để can thiệp.