Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Đống Đa: Giải trình về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đối với các di tích lịch sử trên địa bàn

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/9, HĐND quận Đống Đa tổ chức phiên giải trình theo hình thức trực tuyến về công tác quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng đối với các di tích lịch sử trên địa bàn quận.

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường nhấn mạnh,Thường trực HĐND quận nhận thấy công tác quản lý Nhà nước đối với các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
 Quang cảnh phiên giải trình.
Tuy vậy, tại nhiều di tích, do hồ sơ pháp lý về đất đai còn thiếu, chưa được cắm mốc giới theo đúng quy định của Luật Di sản văn hoá, diện tích đất giữa thực tế sử dụng của di tích và diện tích đất theo kê khai còn nhiều chênh lệch do không có bản đồ chính quy và bản vẽ được xác nhận bởi các cơ quan có thẩm quyền. Một số di tích được kê khai theo hiện trạng nhưng một số di tích kê khai theo chỉ giới khoanh vùng xếp hạng di tích đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý về di sản văn hoá, quản lý trật tự xây dựng. Thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại các hộ dân sinh sống trong khuôn viên, khu vực I, chỉ giới đường đỏ của di tích gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm tại nơi có di tích…
Vì vậy trong phiên giải trình này, Thường trực HĐND quận yêu cầu UBND quận, các đơn vị liên quan làm rõ các nội dung còn khó khăn vướng mắc để qua đó đề xuất được các giải pháp, lộ trình thực hiện, quyết tâm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hạn chế đã chỉ ra, để giải quyết hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo điều hành và kết quả thực tế để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của cử tri, người dân trên địa bàn.
Tại phiên giải trình, đối với nhóm vấn đề quản lý Nhà nước về đất đai, các đại biểu kiến nghị quận cho biết tiến độ tổng hợp, nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học để đề xuất cấp có thẩm quyền xếp hạng đối với 10 di tích chưa được xếp hạng; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các di tích lịch sử văn hoá, cơ sở tôn giáo tin ngưỡng trên địa bàn quận; hướng dẫn để lập hồ sơ quản lý đất ghi nhận việc hiến, tặng, cho tại các di tích; các giải pháp để trùng tu, tôn tạo, quản lý tại các di tích. Ngoài ra, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về việc tiến độ tu sửa với các di tích chưa được xếp hạng và cán bộ quản lý di tích sẽ được tập huấn như nào; vấn đề chồng chéo, bất cập trong quản lý việc xây dựng tại các di tích; vấn đề kêu gọi xã hội hoá trong tôn tạo, tu bổ các di tích…
Lãnh đạo UBND quận và lãnh đạo phòng chức năng của quận Đống Đa cùng lãnh đạo các phường đã giải trình cụ thể các vấn đề trên. Đáng chú ý, đối với 10 di tích chưa được xếp hạng, lãnh đạo Phòng Văn hoá quận Đống Đa cho biết, công tác lập hồ sơ xếp hạng các di tích là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, quận chịu trách nhiệm phối hợp các cơ quan này xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng, nâng hạng di tích. Trong thời gian qua, quận đã tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng lập hồ sơ đề nghị xếp hạng thêm các di tích và nâng hạng các di tích. Quận cũng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ xếp hạng các di tích còn lại. Trong đó, năm 2025 sẽ hoàn thiện hồ sơ xếp hạng các di tích cấp TP ở một số phường và đến năm 2030 sẽ hoàn thành xếp hạng các di tích còn lại.
 Đại biểu phường Láng Hạ nêu ý kiến tại phiên giải trình.
Về nội dung khoanh vùng quản lý các di tích, hiện quận có 66 di tích nhưng chỉ có 55 di tích có hồ sơ quản lý là do có những cụm di tích (2-3 di tích) nhưng chỉ có 1 hồ sơ. Ngoài ra, bản đồ khoanh vùng và hồ sơ pháp lý không khớp nhau. Quận đã kiến nghị cơ quan chức năng cho phép điều chỉnh khoanh vùng theo thực tế và sau khi điều chỉnh khoanh vùng sẽ tiến hành tu sửa, tôn tạo. Thời gian tới, quận tiếp tục giao Phòng TN&MT quận đánh giá, thống kê công tác quản lý sử dựng đất tại 100% di tích và căn cứ kết quả khảo sát để đề xuất phương án cụ thể.
Đối với vấn đề 25 di tích có hồ sơ mà chưa được cấp giấy chứng nhận, đại diện Phòng TN&MT cho biết, không phải toàn bộ 25 di tích đều có hồ sơ đất đai đầy đủ. Trong 25 di tích trên, mới có 4 chùa, 2 đình đền đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận và các trường hợp còn lại Phòng TN&MT vẫn đang đôn đốc các phường thực hiện đúng chỉ đạo để hoàn thiện hồ sơ và tháo gỡ khó khăn. Đối với công tác cấp Giấy chứng nhận các cơ sở tôn giáo, hiện quận đã cấp và hoàn thiện chuyển hồ sơ các cơ sở tín ngưỡng được 12/45 hồ sơ…

Kết thúc phiên giải trình, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường đã làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu và cho biết, sẽ tiếp thu, chỉ đạo các phòng, ban, ngành chức năng của quận xem xét, giải quyết các vấn đề còn vướng mắc trên địa bàn.