HĐND TP Hà Nội chất vấn nhóm vấn đề về an toàn phòng cháy, chữa cháy

Linh Tiên - Thái Thọ - Hùng Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 9/7, HĐND TP Hà Nội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề về công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Hôm nay (9/7), tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội dành trọn một ngày để chất vấn các thành viên UBND TP về một số nhóm vấn đề có tính thời sự, bức xúc, nổi cộm đang được đông đảo cử tri, nhân dân Thủ đô và dư luận quan tâm.
  Trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP báo cáo về công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn TP 
Sau khi kết thúc chất vấn và trả lời chất vấn 2 nhóm vấn đề về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm luật đất đai trên địa bàn TP;  nhóm vấn đề liên quan đến nội dung thực hiện Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP, chiều 9/7, HĐND TP tiếp tục nội dung chất vấn về công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Trước khi các đại biểu chất vấn, Trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP báo cáo về công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn TP. 
Làm rõ vấn đề hiệu quả trong công tác kiểm tra, xử lý của Cảnh sát PCCC?

Bước vào phần chất vấn, đặt câu hỏi chất vấn, ĐB Phạm Thu Hương (tổ Ứng Hoà) nêu, thời gian qua xảy ra một số vụ cháy nổ nghiêm trọng liên quan đến cơ sở kinh doanh Karaoke. Hiện vẫn còn hơn 300 cơ sở hoạt động chui, đề nghị Chủ tịch các huyện cho biết nguyên nhân, trách nhiệm để xảy ra tình trạng trên, biện pháp giải quyết?

 Các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn

Đại biểu Lê Thu Hà (tổ Hà Đông) cho rằng, nhiều vụ cháy lớn do lơ là trách nhiệm phòng chống cháy nổ. Vậy công tác tuyên truyền đã có hiệu quả sâu rộng chưa? Đơn vị nào phối hợp chưa tốt trong tuyên truyền? Làm thế nào để có hiệu quả?

Đại biểu Vũ Mạnh Hải chất vấn Giám đốc Sở VH&TT về công tác phối hợp với địa phương xử lý vi phạm của các cơ sở kinh doanh Karaoke? Nên chăng các cơ quan chức năng có tư vấn, hướng dẫn ngay từ đầu để các cơ sở này kiểm tra, thực hiện lắp đặt thiết bị đảm bảo an toàn cháy nổ?

Đại biểu Lê Vĩnh Sơn chất vấn, hiện có 5 khu công nghiệp chưa hoàn thành hạ tầng và hệ thống chữa cháy, 7/9 khu công nghệ cao chưa thành lập đội PCCC chuyên nghiệp. Đề nghị Giám đốc Ban quản lý các khu công nghiệp chế xuất làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong vấn đề này?

ĐB Nguyễn Kim Dung chất vấn, hiện việc thực hiện thủ tục thẩm đinh PCCC còn mất nhiều thời gian, nguyên nhân do Công an TP hướng dẫn còn chung chung gây bức xúc cho người dân, đề nghị Giám đốc Công an TP làm rõ vấn đề này?

ĐB Nguyễn Thế Vinh đề nghị Giám đốc Công an TP làm rõ nội dung ứng dụng công nghệ thông tin vào PCCC, các giải pháp để đẩy mạnh công tác này? Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng làm rõ công tác xây dựng các trụ nước, bể nước PCCC?

 ĐB Nguyễn Thế Vinh chất vấn

ĐB Nguyễn Hoài Nam (tổ Thạch Thất) chất vấn, hiện vẫn còn nhiều vụ cháy nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Đề nghị Giám đốc Công an TP làm rõ vấn đề hiệu quả trong công tác kiểm tra, xử lý của Cảnh sát PCCC. Công an TP có tham mưu gì với TP để giải quyết triệt để vấn đề này?

Về thực trạng còn hơn 1.100 chung cư cũ, tình trạng kinh doanh tại tầng 1, cầu thang, bịt lối thoát nạn, lắp chuồng cọp, thiếu hệ thống cảnh báo cháy tại các chung cư này còn rất phổ biến. Vậy có giải pháp gì để hạn chế thiệt hại nếu có cháy tại các chung cư này.

Tại Khu vực nông sản chợ Đồng Xuân đang đặt trên bể nước cứu hỏa và khu vực tiếp nhận xe PCCC vào chợ đang bị bịt hoàn toàn. Kiến nghị kiểm tra, di dời khu vực này.

Đại biểu Duy Hoàng Dương cho rằng, báo cáo của Công an chưa chỉ rõ địa phương nào, sở ngành nào thực hiện tốt hay chưa tốt trong công tác PCCC. Đề nghị làm rõ tên các địa phương còn có tồn tại trong lĩnh vực PCCC. Đề nghị làm rõ 7 công trình đã chuyển sang Viện Kiểm soát để xử lý trách nhiệm trong công tác PCCC, hiện đã xử lý đến đâu?

Tuyên truyền trên loa truyền thanh để người dân không đến các cơ sở Karaoke vi phạm PCCC

Trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Lê Trung Kiên, Tại huyện Đông Anh, trước ngày 26/12/2018, huyện đã ban hành kế hoạch, tổng kiểm tra, rà soát trên toàn địa bàn huyện, có 102 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke thì chỉ có 36 cơ sở đủ điều kiện tiếp tục hoạt động bình thường. Huyện đã yêu cầu dừng hoạt động đối với 66 cơ sở không đủ điều kiện. Đến thời điểm hiện tại, có 46 cơ sở không đủ điều kiện PCCC, ANTT đã chuyển sang ngành nghề kinh doanh khác, 20 cơ sở củng cố, đảm bảo điều kiện PCCC, chúng tôi thống nhất để CA huyện kiểm tra, đánh giá các điều kiện về PCCC cũng như các điều kiện khác, hiện 20 cơ sở này hiện chưa tổ chức kinh doanh karaoke, đang chờ cấp phép.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên trả lời, cho biết, theo số liệu của cơ quan công an, trên địa bàn huyện có 70 cơ sở không phép, không đủ điều kiện kinh doanh karaoke là số liệu chính xác. Huyện thường xuyên chỉ đạo tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý các cơ sở không phép, và đã đình chỉ 1 số cơ sở. 6 tháng đầu năm 2019, huyện đã kiểm tra, xử lý 16 cơ sở không phép, phạt tiền gần 200 triệu đồng, nhưng vẫn có cơ sở lén lút hoạt động. Qua kiểm tra, rà soát, nếu huyện phát hiện cơ sở lén lút hoạt động, huyện sẽ đề xuất biện pháp thu giữ phương tiện hoạt động, như thế mới có thể thực hiện nghiêm.

 Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng trả lời chất vấn

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, trên địa bàn huyện có 76 cơ sở kinh doanh karaoke theo kiểu “làng quê”, không có vũ trường. Cách đây 1 tuần, qua chất vấn tại HĐND huyện, chúng tôi thông tin chỉ còn 25 cơ sở lén lút hoạt động. Với giải pháp, ngoài tuyên truyền tới cơ sở kinh doanh, các hộ đã có cam kết, chúng tôi đã lập biên bản. Cùng đó, tuyên truyền trên loa truyền thanh của huyện, để người dân không đến các cơ sở đó. Trường hợp các cơ sở bị phạt tiền rồi mà không tạm dừng hoạt động, chúng tôi sẽ tịch thu các phương tiện. Ngoài PCCC, ANTT tại các khu vực này cũng phức tạp, nếu vi phạm chúng tôi sẽ xử lý nghiêm.

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục trả lời câu hỏi về cung cấp hệ thống cấp nước, trụ cấp nước, công tác duy tu. Theo đó, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, về phát triển mạng, hiện nay Hà Nội có 2916 họng cứu hỏa, 54 họp và trụ, 11 bể chứa cũng như bến thu nước. Theo Quy hoạch, Sở Xây dựng phối hợp với công an TP quy hoạch họng nước cứu hỏa để đặt đúng vị trí. Từ nay đến hết năm 2020 phải đặt xong 1.600 họng cứu hỏa nữa.

Còn hơn 1.000 cơ sở kinh doanh karaoke không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy

Giám đốc Sở VHTT Tô Văn Động cho biết, Sở thống nhất với báo cáo của Công an TP về công tác PCCC trong các địa điểm kinh doanh karaoke. Ngoài ra, Sở bổ sung thêm, hiện trên địa bàn có hơn 1.600 điểm kinh doanh karaoke, nhưng chỉ khoảng 500 cơ sở kinh doanh đủ điều kiện, hơn 1.000 không đủ điều kiện và các quận, huyện đã đình chỉ các cơ sở này, tuy nhiên theo quy định pháp luật, chúng ta chưa rút được giấy phép các cơ sở.

Có được kết quả trên, từ tháng 11/2016, sau vụ cháy ở 68 Trần Nhân Tông (quận Cầu Giấy), UBND TP đã tạm dừng cấp phép các cơ sở kinh doanh karaoke theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy. Theo Thông tư 47, các cơ sở kinh doanh karaoke có điều kiện về PCCC vô cùng nghiêm ngặt.

Và các cơ sở này không đủ điều kiện chủ yếu do không đủ điều kiện về PCCC. Cùng đó, tháng 6/2018, theo ý kiến của các DN và các quận, huyện báo cáo UBND TP cho phép được tiếp tục kinh doanh karaoke, nhưng sau khi Thường trực Thành ủy nghe báo cáo, thấy rằng, tình trạng vi phạm tại các quán karaoke vẫn còn nghiêm trọng.

 Giám đốc Sở VHTT Tô Văn Động trả lời chất vấn

Đến thời điểm báo cáo chỉ có 33% cơ sở đảm bảo đủ điều kiện nên Thành ủy chỉ đạo, yêu cầu tiếp tục duy trì tạm dừng các cơ sở kinh doanh karaoke này, yêu cầu Công an TP, các quận huyện phải tăng cường thực hiện đúng quy định pháp luật tại các cơ sở kinh doanh karaoke. Vì vậy, tình trạng cháy, nổ xảy ra tại các quán karaoke thời gian qua ít hơn, hạn chế hơn.

Sở VHTT là cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm, đã đi kiểm tra 394 cơ sở, phạt hơn 1 tỷ đồng, đồng thời, điều chuyển cho địa phương biết, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh karaoke này. Các quận, huyện cũng phải có trách nhiệm quản lý các cơ sở trên địa bàn, tuy nhiên một số nơi vẫn buông lỏng quản lý. Do đó, đề nghị chính quyền có trách nhiệm quản lý, giám sát các cơ sở bởi tình trạng các cơ sở không đủ điều kiện lén lút hoạt động.

Giám đốc Công an TP Đoàn Duy Khương, từ năm 2016 đến nay, Công an TP đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 10.000 trường hợp vi phạm về PCCC với số tiền gần 30 tỷ đồng.

Từ năm 2016 đến nay, Công an TP đã kiểm tra hơn 123.800 lượt cơ sở, lập hơn 123.800 biên bản kiểm tra hướng dẫn về PCCC, kiến nghị cơ sở khắc phục hơn 280.000 trường hợp còn tồn tại, thiếu sót về PCCC, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 10.000 trường hợp với số tiền gần 30 tỷ đồng, ra quyết định đình chỉ 1.520 trường hợp, tạm đình chỉ 1.025 trường hợp.

Đến thời điểm này, Công an TP đang đình chỉ hoạt động 1.150 cơ sở, tạm đình chỉ hoạt động 204 cơ sở, chủ yếu thuộc loại hình cơ sở kinh doanh karaoke và một số hạng mục thuộc công trình nhà cao tầng, cơ sở sản xuất, chợ vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn PCCC…

 Trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP 

Về ý kiến của đại biểu đề nghị Công an TP nêu cụ thể các công trình đã chuyển sang Viện Kiểm sát để đánh giá chứng cứ, cân nhắc có khởi tố vụ án hình sự hay không. Cụ thể, 5 tòa chung cư ở khu đô thị Văn Khê (quận Hà Đông); tòa nhà ở Mễ Trì Thượng (quận Nam Từ Liêm); tòa nhà nhiều hộ gia đình ở Cự Lộc (quận Thanh Xuân), tòa chung cư ở 89 Phùng Hưng… Chúng tôi thấy nhiều công trình không thể khắc phục giải pháp PCCC nên cơ quan công an đã chuyển sang Viện Kiểm sát để đánh giá chứng cứ.

Về ý kiến của ĐB Nguyễn Hoài Nam, về công tác PCCC ở chợ Đồng Xuân, chúng tôi khẳng định đã đảm bảo nhưng sẽ kiểm tra lại. Về ý kiến việc thẩm định về PCCC lâu hơn, chúng tôi khẳng định, việc thẩm định cần phải chặt chẽ, nhất là ở các tòa chung cư. Nếu xảy ra cháy, nổ sẽ xảy ra nhiều hệ lụy. Chúng tôi khẳng định 100% hồ sơ nghiệm thu được trả đúng thời hạn.

Về công tác tuyên truyền, rõ ràng trong công tác quản lý nhà nước thì giải pháp đầu tiên là công tác tuyên truyền. Những năm qua chưa khi nào công tác tuyên truyền được quan tâm nhiều như trong lĩnh vực PCCC, kỹ năng cứu nạn cứu hộ, TP đã bỏ kinh phí rất lớn cho vấn đề này. Nhưng thực tế đến nay, hiệu quả chưa được như mong muốn. Đây cũng là vấn đề chúng tôi trăn trở. 

HĐND giám sát đến cùng tất cả các nội dung cử tri quan tâm 

Phát biểu kết luận nội dung chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, vấn đề PCCC&CNCH là một trong những nội dung không chỉ người dân mà Thành ủy, HĐND TP rất quan tâm, nhiều lần chất vấn. Thành ủy cũng đã có nghị quyết riêng, nhiều lần chỉ đạo trong khi họp cán bộ chủ chốt. Đến nay công tác này đã có kết quả tích cực. Sau giám sát của HĐND, Công an TP đã tham mưu UBND TP có văn bản chỉ đạo, có trách nhiệm cụ thể của các cấp ngành; UBND TP ban hành rất nhiều văn bản, trong đó cơ quan công an có 80 văn bản chỉ đạo. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng có thay đổi. So với trước, số lượng đơn vị cơ sở được kiểm tra tăng nhiều, năm 2018 đã có trên 4.000 cơ sở; nhiều cơ sở được khắc phục với 59 công trình, 7 công trình đã chuyển sang xem xét về hình sự. So với khi chất vấn, đã chuyển biến nhiều. Về hoàn thiện hạ tầng, sau khi bàn giao về Công an, từ năm 2014-2018, ngân sách TP bố trí hơn 500 tỷ đồng cho công tác PCCC.

Về khắc phục tồn tại, đề nghị chính quyền và công an là cơ quan thường trực cần kiểm tra đôn đốc, thường xuyên phối hợp các quận, huyện để đôn đốc thực hiện nghiêm Chỉ thị 24 của Thành ủy. Trong đó lấy việc chấp hành PCCC để đánh giá chất lượng xây dựng Đảng, đề cao vai trò người đứng đầu. Công an TP tiếp tục tham mưu TP thực hiện kết luận 8 nhóm vấn đề, với từng loại hình nhà. Đồng thời, cần tăng kiểm tra xử lý khắc phục tồn tại, không để phát sinh mới.

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, nội chung chất vấn tại kỳ họp này khó, liên quan đến nhiều cấp, ngành, song với sự nghiêm túc tiếp thu cầu thị của UBND TP, các nội dung đặt ra đều được hoàn thành.

 Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc điều hành phiên chất vấn

Chủ tịch HĐND TP cũng nêu một số điểm nhấn trong phiên chất vấn lần này, trong đó có việc lựa chọn nội dung chất vấn. Cụ thể, với 3 nhóm vấn đề lựa chọn chất vấn có 2 nhóm vấn đề tái chất vấn, một nhóm vấn đề mới được đại biểu đồng tình cao, cử tri quan tâm.

Đây là phiên chất vấn có sự tham gia của các đại biểu không chuyên trách nhiều nhất từ trước đến nay, có 22/33 đại biểu không chuyên trách tham gia chất vấn. Điều này cho thấy tính chuyên nghiệp, trách nhiệm ngày càng cao của các đại biểu HĐND.

“Với sự tham gia một cách trách nhiệm của các đại biểu cũng như thành viên UBND TP, có thể khẳng định phiên chất vấn thành công, tạo được niềm tin đối với cử tri, đó là HĐND giám sát đến cùng tất cả các nội dung cử tri quan tâm cũng như giám sát việc Nghị quyết của HĐND có được thực hiện, có đi vào cuộc sống hay không”, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc bày tỏ.