HĐND TP Hà Nội thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp TP

NHÓM PV THỜI SỰ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 7/12, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP đã thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp TP của TP Hà Nội.

Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư

Trước đó, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền đã trình bày Tờ trình của UBND TP về định hướng khung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp TP của TP Hà Nội. Theo đó, trên cơ sở tính toán, cân đối nguồn ngân sách TP theo các kịch bản về thu - chi ngân sách giai đoạn 2021 - 2025, TP dự kiến tổng mức kế hoạch vốn trung hạn cho giai đoạn này khoảng 206.750 tỷ đồng. Dự kiến tổng mức đầu tư trên sẽ được cân đối cho nhiệm vụ chi ngân sách TP 185.150 tỷ đồng và chi các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, đề án, kế hoạch của TP cho các huyện, thị xã là 21.600 tỷ đồng.

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền trình bày Tờ trình của UBND TP về định hướng khung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố của thành phố Hà Nội 

TP đề ra mục tiêu đầu tư công trong giai đoạn này là thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển nền kinh tế, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP đã quyết nghị; các định hướng tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2025 của TP.

Định hướng đầu tư được TP dự kiến tập trung đầu tư vào những dự án hạ tầng kỹ thuật khung, những dự án trọng điểm có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những dự án đặc thù mang tính nhà nước tại 11 ngành, lĩnh vực được xác định là trọng tâm đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025. TP không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư, đồng thời khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. 

Chưa năm nào giải ngân hơn 80% vốn đầu tư công

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Nam (Tổ Hai Bà Trưng) cho rằng, nhiệm kỳ vừa qua chưa năm nào giải ngân hơn 80% vốn đầu tư công. Đến thời gian này của năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đã có những tín hiệu tích cực, tuy nhiên cần xem xét vướng mắc trong việc mua sắm tập trung được tổ chức ở cấp TP, rút ngắn danh mục mua sắm tập trung do UBND TP quy định; việc phân cấp quản lý trong một số lĩnh vực theo Quyết định 41/2016/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 về ban hành Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Nội và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư tại một số dự án hạ tầng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng...

Trong khi đó, đại biểu Trương Hải Long (Tổ Quốc Oai) nhìn nhận, một số dự án đầu tư đang vướng mắc ở việc chưa được phê duyệt quy hoạch và quy hoạch phân khu. Do đó, cần tạo hành lang pháp lý cho nhà đầu tư đầu tư, giải ngân được vốn, tạo tiền đề cho sự phát triển của TP, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Tiếp thu, trả lời ý kiến kiến nghị của đại biểu, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Liên quan vấn đề phân cấp theo Quyết định 41/2016/QĐ-UBND, HĐND TP đã nhiều lần đề nghị UBND TP sửa đổi, bổ sung. Vừa qua HĐND TP thống nhất giao UBND TP điều chỉnh ngay nội dung về lĩnh vực thủy lợi và về du lịch và công nghệ thông tin, từ đó UBND TP đã có xử lý.

Kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hà Nội khóa XV 

“Tuy nhiên thực tế còn vướng mắc chủ yếu liên quan lĩnh vực xây dựng và giao thông, nên Sở KH&ĐT đang nghiên cứu cùng các sở ngành, đề nghị các Sở GTVT và Xây dựng hoàn chỉnh, thống nhất với các quận, huyện. Các sở ngành đều thống nhất quan điểm quản lý theo hệ thống, nhưng các quận huyện lại đề nghị phân cấp cho địa phương. Tất cả  nội dung liên quan quản lý phân cấp này sẽ được thống nhất để chỉnh sửa hoàn thiện Quyết định 41 vào quý I/2021” - Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền thông tin.

Gỡ vướng giải ngân các dự án trên địa bàn quận Hai Bà Trưng

Về lĩnh vực đầu tư, trước một số dự án đại biểu nêu trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định tiếp thu đầy đủ ý kiến của các địa phương, tham mưu đề xuất Chủ tịch UBND TP thống nhất để tập trung chỉ đạo trong thời gian tới. Riêng với dự án đường Ngô Thì Nhậm kéo dài, TP đã giao Ban Giao thông làm chủ đầu tư, nhưng quá trình triển khai vướng về GPMB một số hộ dân.

Với dự án mương Vĩnh Tuy còn 198m vướng về GPMB, Sở đã ghi đủ kế hoạch vốn năm 2020, vấn đề hiện nay là kinh phí đã bố trí đủ mà bị cắt đi để bố trí vào năm 2021 thì cũng không phù hợp nhiệm vụ về ghi kế hoạch vốn. Sở sẽ làm việc với chủ đầu tư đôn đốc đẩy nhanh tiến độ nội dung này, làm thủ tục ghi chuyển tiếp sang năm 2021.

Về dự án Công an phường Thanh Lương, dù chỉ 6 tỷ đồng, nhưng trong quá trình lập chủ yếu các chủ đầu tư và các đơn vị khi thỏa thuận không bổ sung nội dung GPMB vào cơ cấu tổng mức đầu tư của dự án, nên quá trình triển khai thực hiện lúng túng, dù quận đã sẵn sàng bỏ kinh phí ra. Sở sẽ tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư.

“Về dự án đường Võ Thị Sáu kéo dài, có tổng vốn đầu tư lớn hơn 500 tỷ đồng nhưng cơ cấu GPMB chiếm hơn 80%, TP chủ yếu đưa vào các dự án BT. Vì cơ cấu GPMB lớn nên tới đây nên giao quận Hai Bà Trưng làm chủ đầu tư dự án này thì mới đẩy nhanh được” - Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Cũng trong chiều 7/12, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP đã thông qua Kế hoạch tài chính 5 năm TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025.