Hệ lụy từ lỗ hổng công chứng

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ lừa đảo thông qua giấy tờ công chứng như: Dùng giấy tờ, tài liệu giả hoặc mạo danh người khác ký tên, hoặc dùng giấy tờ thật nhưng mang đi công chứng ở nhiều văn phòng công chứng khác nhau.

Thủ đoạn này thường được thực hiện trên các hợp đồng, giao dịch liên quan đến các tài sản có giá trị như nhà ở, quyền sử dụng đất... nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.
Nếu không đủ trình độ và kinh nghiệm thẩm định, các công chứng viên sẽ dễ dàng bị qua mặt, vô tình tiếp tay cho tội phạm.
 Ảnh minh họa
Tại Hà Nội, mới đây cơ quan công an đã khởi tố một vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với một đối tượng làm giả giấy tờ để chuyển nhượng 5 căn hộ đi thuê sau khi được công chứng. Trước đó, tại Hà Nội cũng xảy ra vụ một cá nhân dùng giấy tờ thật của căn hộ ở quận Hà Đông để công chứng ở hai văn phòng công chứng khác nhau ở quận Thanh Xuân và quận Ba Đình, sau đó chuyển nhượng căn hộ cho hai cá nhân khác nhau. Khi vụ việc vỡ lở thì đối tượng đã cao chạy xa bay, không biết ở đâu mà tìm. Nạn nhân của các vụ việc trên đều tin vào những giấy tờ đã được công chứng, có giá trị pháp lý nên đều không hay biết mình đang giao dịch với đối tượng lừa đảo.

Điều đó cho thấy, hoạt động của các phòng công chứng tư còn nhiều lỗ hổng. Luật Công chứng 2006 có hiệu lực từ ngày 1/7/2007 cho phép các công chứng viên được thành lập các văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình DN tư nhân đã tạo ra một cơ chế thoáng trong hoạt động này. Các văn phòng công chứng tư ra đời đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, DN trong các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, việc phát triển quá "nóng" của các văn phòng công chứng tư đã khiến cho các nhà quản lý lo ngại. Biểu hiện dễ nhận thấy là chất lượng công chứng thấp do trình độ thẩm định, nghiệp vụ của một số công chứng viên yếu và không đồng đều. Sự dễ dãi trong thẩm định hồ sơ dẫn tới tình trạng công chứng ẩu, công chứng sai. Bên cạnh đó, nạn giả mạo giấy tờ để lừa đảo ngày càng gia tăng nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, thậm chí nhiều công chứng viên, văn phòng công chứng còn cố tình lách luật gây ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. Thiệt thòi cuối cùng vẫn là người dân, DN.

Để hạn chế tình trạng gian lận, giả mạo giấy tờ trong công chứng, trước hết cần siết chặt việc cấp phép và hoạt động của các văn phòng công chứng tư. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ nghiệp vụ của công chứng viên, có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi cố tình lách luật để tiếp tay cho vi phạm. Và quan trọng hơn nữa, đó là phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để hơn đối với hành vi giả mạo giấy tờ để chủ trương tạo thuận lợi cho người dân, DN không bị lợi dụng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần