Hệ lụy từ “ma men”

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rượu là yếu tố tiếp tay đắc lực cho bạo lực gia đình. Đây là chuyện không hề mới nhưng chưa có dấu hiệu suy giảm và đang ngày càng trở nên nhức nhối.

Hàng loạt vụ bạo hành do say xỉn
Mới đây, TAND TP Hà Nội đã đưa bị cáo Đinh Đức Thính (SN 1947, ở Ba Vì, Hà Nội) ra xét xử tội Giết người, nhận mức án 18 năm tù giam. Nạn nhân của bị cáo Thính chính là vợ mình, bà Doãn Thị Vượng (SN 1948). Cuộc sống hôn nhân của vợ chồng bà Vượng không được êm thấm khi ông Thính thường xuyên uống rượu say, đánh, chửi và đe dọa giết vợ. Bà vì sợ bị đánh mà không dám ở cùng nhà với chồng, chuyển sang ở nhà của con trai. Điều này khiến người chồng vũ phu bực tức, cho rằng vợ coi thường mình. Đêm 19/3/2018, sau khi uống rượu xong, Thính đã tìm gặp bà Vượng, chém liên tiếp nhiều nhát vào vùng đầu làm bà Vượng gục ngã. Bà Vượng được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không tử vong.
 Ảnh minh họa.
Cách đây hơn một tháng, bà Nguyễn Thị N. (53 tuổi, huyện Đồng Phú, Bình Phước) bị chồng đánh chấn thương mắt nặng, có nguy cơ mù lòa, đã phải lặn lội từ Bình Phước ra Bệnh viện Mắt T.Ư "cầu cứu”. Chồng bà nghiện rượu nên thi thoảng rượu vào lại đánh vợ. Thế nhưng, bà vẫn nhẫn nhịn, không báo chính quyền địa phương và bản thân bà cũng không muốn làm ầm lên để giữ cho gia đình êm ấm. Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân bị vỡ nhãn cầu, xuất huyết, phòi tổ chức nội nhãn, thị lực chỉ nhìn thấy bóng bàn tay.

Một trường hợp khác ở Quảng Ninh, trong lúc ăn cơm trưa cùng vợ là Nguyễn Thị Tuyến (49 tuổi), ông Đỗ Văn Quyền (59 tuổi) đã uống hơn một lít rượu. Ăn cơm xong, bà Tuyến vào giường ngủ, ông Quyền xuống bếp lấy thanh sắt dài gần 1m vụt vào đầu vợ. Ông tiếp tục dùng chai mắm bằng thủy tinh đánh khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Quyền để điều tra về hành vi giết người.

Phụ nữ, trẻ em là nạn nhân

Theo số liệu điều tra, đồ uống có cồn là nguyên nhân lớn nhất gây ra khoảng 33,7% vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Những gia đình này thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, học vấn thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật, công việc không ổn định. Phụ nữ, trẻ em đang là nạn nhân trong việc lạm dụng đồ uống có cồn: Bị xúc phạm, nhục mạ, mắng chửi, bị đánh đập gây đau đớn về thể xác. Ở nhiều vùng nông thôn, nhiều người vợ giải quyết tình trạng hay nhậu nhẹt của chồng bằng cách tìm đường lên TP kiếm sống, đến khi nào chồng hối cải mới quay về. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ phải cam chịu sống với ông chồng "ma men", với tâm lý giữ bố cho con, cho nhà cửa êm ấm.

Theo các chuyên gia tư vấn về tâm lý, xã hội, để hạn chế được vấn nạn bạo lực gia đình do rượu, chị em phụ nữ cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, đoàn thể xã hội để tư vấn, giải quyết. Đặc biệt, cần trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật. Khi rơi vào hoàn cảnh bị bạo hành, cần phải tìm đến các cơ quan tư vấn; sự giúp đỡ của người thân, hàng xóm; các ban, ngành, đoàn thể để kịp thời can thiệp, tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Thực tế cho thấy, lạm dụng rượu có thể làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, gây tổn hại sức khỏe cho bản thân. Làm chủ mình trong tiệc rượu là điều cần thiết nếu không muốn mang hệ lụy nặng nề cho gia đình. Nhiều ý kiến cho rằng, để phòng tránh tối đa ảnh hưởng tiêu cực của rượu đến con người và xã hội, Nhà nước cần có những công cụ pháp lý nhằm kiểm soát đồng thời cả việc buôn bán, sử dụng rượu.