Hệ sinh thái du lịch "all in one"

Nguyễn Quý An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điều này có nghĩa là du khách chỉ cần đến một khu du lịch nơi đó bao trùm tất cả nhu cầu nghỉ dưỡng - hội nghị - vui chơi, giải trí - thưởng ngoạn văn hóa, thể thao... Ngành công nghiệp du lịch đã và đang biến đổi xương sống công nghệ của mình để giúp những trải nghiệm kỹ thuật số đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia phát triển và kinh doanh du lịch, hệ sinh thái một điểm đến phải có từ những khu quảng trường rộng đủ để tổ chức các lễ hội như lễ hội biển, lễ hội pháo hoa, vở diễn ca nhạc kịch hoành tráng hay các khách sạn đi kèm dịch vụ nhà hàng và mua sắm phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách, cho tới các dịch vụ đi lại như sân bay, bến tàu, các sản phẩm du lịch mang màu sắc văn hóa địa phương như làng nghề, đảo văn hóa, làng văn hóa… hay dịch vụ hậu cần chăm sóc con người như y tế.
Việt Nam cũng đang dần hình thành những hệ sinh thái du lịch - nghỉ dưỡng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, kể cả kết nối với các hãng hàng không. Mục tiêu du lịch năm 2020 của Việt Nam là đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế; 90 triệu lượt khách nội địa; với doanh thu lên đến 830.000 tỷ đồng.
Đừng bay một mình
Chúng ta thường nói về du lịch là ngành kinh doanh “con người” nhưng thật sự ngày nay chúng ta cần xem xét nhiều mối quan hệ, chuỗi giá trị phức tạp và sự phụ thuộc lẫn nhau trong hệ sinh thái du lịch. Cho dù bạn đang mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn hoặc kết hợp đều mong muốn đạt một chuyến đi nghỉ gia đình hoặc nghỉ ngơi đạt được nhiều tiện lợi nhất. Các nhà cung cấp dịch vụ du lịch sẽ hỗ trợ toàn bộ hệ sinh thái du lịch còn lại, bao gồm các hãng hàng không, khách sạn, đường sắt, công ty cho thuê xe, đại lý du lịch...
 Khu du lịch Vinpearl Nha Trang. Ảnh: Lam Thanh
Một phần trung tâm của hệ sinh thái du lịch đó là hệ thống phân phối toàn cầu (global distribution system - GDS), cho phép bán lẻ, phân phối và thực hiện thông suốt từ đầu đến cuối. Các công ty trong hệ sinh thái du lịch đã và đang làm việc cùng nhau để tạo ra các dịch vụ siêu phù hợp nhằm nâng cao chất lượng trải nghiệm du lịch từ đầu đến cuối cho khách hàng, nhất là phân khúc cao cấp. Trên thế giới, gần 60% các công ty du lịch đang hướng tới xây dựng các hệ sinh thái để phá vỡ định hướng vốn bắt đầu cũ kỹ và bảo thủ của họ.
Ngành công nghiệp du lịch truyền thống đã có từ rất lâu đời và các hệ thống chính hỗ trợ khách du lịch đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, đang chuyển sang các công nghệ kỹ thuật số hiện đại như lưu trữ đám mây, kho dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), thiết bị kết nối, các tiêu chuẩn mở…
Mặc dù số hóa xuất hiện cũng vài năm rồi, là chất xúc tác để thúc đẩy hiệu quả và tăng hiệu suất trong các hoạt động du lịch, nhưng cho đến nay các công ty du lịch mới thật sự tận dụng các công nghệ mới nổi này để thay đổi trải nghiệm của khách hàng, phá vỡ các mô hình kinh doanh hiện tại và chuyển đổi các lĩnh vực dịch vụ mới. Số hóa trong ngành hàng không kết hợp du lịch dự kiến tăng lợi nhuận trong toàn hệ sinh thái, tạo ra giá trị lên tới 305 tỷ đô la trong thập kỷ 2016 đến 2025.
Thấu hiểu từ những tổn thương…
Trong mối quan hệ với ngành du lịch, chúng tôi thường tự hỏi liệu có ngành nào dễ bị tổn thương như thế này không - từ tấn công khủng bố đến chiến tranh thương mại và từ dịch bệnh đến thời tiết - mọi thứ dường như đều có tác động trực tiếp và trong hầu hết các trường hợp, du lịch đều cần một chu kỳ phục hồi dài lâu.
Song song đó, thời đại phân phối dịch vụ tuyến tính từ hãng hàng không riêng biệt với khách sạn của các công ty quản lý du lịch được hỗ trợ bởi phương thức phục vụ truyền thống đang bị thách thức bởi các công ty du lịch trực tuyến (Expedia, booking.com…), các nhà cung cấp dịch vụ nhanh chóng đưa ra những thay thế dễ dàng và nhanh hơn cho người tiêu dùng khi đặt hay thay đổi các lựa chọn chuyến bay, khách sạn, xe hơi và các dịch vụ du lịch khác.
Giống như trong các ngành công nghiệp tập trung vào người tiêu dùng khác, ngành du lịch vừa có cơ hội, vừa gặp rất nhiều thử thách hơn bao giờ hết: Áp lực khách du lịch khao khát những trải nghiệm ở tất cả giai đoạn trong chuyến hành trình, từ khi họ bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến đi cho đến khi trở về nhà.
Khách du lịch cao cấp mong muốn các nhà cung cấp dịch vụ phải hiểu và phục vụ họ với những trải nghiệm có một không hai, vì vậy đòi hỏi phải sử dụng khéo léo các phân tích cũng như cái nhìn toàn diện từng khách hàng.
Tất cả chúng ta đều có thể thấy và cảm nhận cách kết nối online internet đang định hình và xác lập lại cách chúng ta làm việc: Giao dịch online, xem phim trên Youtube và Netflix trong khi tivi bị bụi bặm bao vây, kiểm tra thời tiết trên các thiết bị thông minh...
Do vậy, cách chúng ta quyết định đi du lịch cũng bị ảnh hưởng bởi một loạt các nhà cung cấp dịch vụ du lịch giúp chúng ta lên kế hoạch cho chuyến đi, tìm kiếm giá máy bay tốt nhất, đặt khách sạn và thuê xe, đọc các đánh giá về địa điểm và dịch vụ hoặc cung cấp các công cụ cần thiết để phản hồi và chia sẻ kinh nghiệm kỳ nghỉ. Một hệ sinh thái du lịch toàn cầu mở, thông minh, năng động và lấy khách hàng làm trung tâm, kết nối liền mạch với tất cả những người tham gia ngành du lịch.
Nhu cầu du lịch ngày càng tăng, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, thách thức các DN nhanh chóng điều chỉnh các chiến lược của riêng mình để nắm bắt sự tăng trưởng. Các nhà cung cấp du lịch đang tìm kiếm sự tương tác mạnh mẽ hơn với khách hàng, trong khi các hoạt động thay đổi mạnh mẽ, để theo đuổi những hiểu biết tốt hơn về sở thích của khách hàng và hiệu suất hoạt động.
Các thiết bị được kết nối và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ cung cấp nhiều cơ hội để làm cho các hoạt động đó hiệu quả hơn và cho phép cộng tác và chia sẻ tài sản giữa các DN. Công nghệ cũng sẽ có tác động đến lực lượng lao động trong ngành du lịch, được trao quyền bởi thông tin thời gian thực (real - time), tập trung vào thế mạnh cốt lõi du lịch của từng khu vực.
Nhiều tập đoàn du lịch lớn của Việt Nam đang tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch không chỉ là một điểm đến mà còn kết nối nhiều điểm đến như sản phẩm du lịch kết nối các vùng di sản từ vịnh Hạ Long đến thánh địa Mỹ Sơn và cả vùng văn hóa Chăm tại Khánh Hòa, Ninh Thuận…
Chuyến bay đã sẵn sàng cất cánh! Hãy thắt dây an toàn !!!

Một phần trung tâm của hệ sinh thái du lịch đó là hệ thống phân phối toàn cầu (global distribution system - GDS), cho phép bán lẻ, phân phối và thực hiện thông suốt từ đầu đến cuối. Các công ty trong hệ sinh thái du lịch đã và đang làm việc cùng nhau để tạo ra các dịch vụ siêu phù hợp nhằm nâng cao chất lượng trải nghiệm du lịch từ đầu đến cuối cho khách hàng, nhất là phân khúc cao cấp.