Hệ thống đê điều, thủy lợi Hà Nội: Thiếu nguồn lực đầu tư nâng cấp

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội có hệ thống đê điều, công trình thủy lợi lớn. Qua quá trình nhiều năm đưa vào khai thác, sử dụng đã bị xuống cấp. Tuy nhiên, để nâng cấp, cải tạo hệ thống này cần nguồn lực không nhỏ.

Nhiều công trình xuống cấp
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện nay, toàn TP có hơn 2.000 trạm bơm, 95 hồ chứa nước thủy lợi vừa và nhỏ, 10.400km kênh mương tưới tiêu các loại, đáp ứng cơ bản yêu cầu sản xuất và phòng chống úng ngập. Tuy nhiên, khoảng 70% công trình này có thời gian xây dựng và đưa vào vận hành trên 30 năm. Các công trình này hiện đã xuống cấp, một số công trình do phát triển đô thị nên đã thay công năng. Do đó, cần phải được đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa để đáp ứng yêu cầu biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
 Thi công dự án tiếp nước cải tạo sông Tích. Ảnh: Quang Thiện
Hà Nội có nhiều con sông lớn chảy qua như sông Đà, sông Hồng, Đuống, Đáy, Tích, Bùi… với tổng chiều dài hơn 620km. Những năm qua, TP và các quận, huyện, thị xã đã tăng cường công tác quản lý đê điều, công trình thủy lợi. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi ở một số nơi vẫn xảy ra. Đó là tình trạng xe quá tải trọng lưu thông trên đê, nhất là các địa bàn có nhiều bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng chưa được xử lý triệt để. Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, so với các tỉnh, Hà Nội có nhiều điểm đê xung yếu, đặc biệt là đê sông Đuống, nếu nước lũ dâng cao sẽ rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, sông Nhuệ cũng bị bồi lắng, việc đưa nước vào phục vụ sản xuất khó khăn, cần có sự quan tâm hỗ trợ của Bộ NN&PTNT.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết thêm, trên hệ thống sông Hồng, sông Đà, sông Đuống còn nhiều đoạn chưa đảm bảo mặt cắt, mặt đê chưa đáp ứng được yêu cầu giao thông đi lại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Một số đoạn còn tiềm ẩn những ẩn họa trong khi các tuyến đê này là đê cấp đặc biệt và cấp I. Không những thế, toàn TP có 265km kè bờ sông nhưng đến nay mới được đầu tư gia cố chống sạt lở 118,4km. Trong số chiều dài tuyến kè còn lại chưa được gia cố có 40km có nguy cơ sạt lở cao và 4km là tuyến kè cũ đã hư hỏng.

Đa dạng hóa nguồn vốn

Hệ thống đê điều, công trình thủy lợi có vai trò rất lớn, không chỉ đối với sản xuất nông nghiệp mà còn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay. Bởi vậy, tại buổi làm việc với Bộ NN&PTNT mới đây, lãnh đạo TP đã đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí để thực hiện đầu tư nâng cấp, cải tạo một số tuyến đê và dự án thủy lợi. Cụ thể, nâng cấp hệ thống đê sông Hồng, sông Đà, sông Đuống theo chương trình nâng cấp đê sông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, đầu tư kinh phí thực hiện các dự án theo quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Trần Quang Hoài nhận định, hệ thống đê của Hà Nội là tuyến đê quan trọng nhất của cả nước, trong đó có những đoạn cấp đặc biệt. Hơn nữa, hầu hết các tuyến đê của Hà Nội đều gắn với giao thông. Theo ông Hoài, Bộ NN&PTNT cũng đã bố trí kinh phí hỗ trợ Hà Nội thực hiện trong năm 2017 nhưng chỉ là những đoạn đê xung yếu nhất và “chưa ăn thua” gì so với nhu cầu thực tế. Do đó, Hà Nội cần tranh thủ tốt các nguồn lực khác và bố trí kinh phí để triển khai các hạng mục này.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, vốn đầu tư công của Bộ NN&PTNT dành cho Hà Nội năm 2017 chỉ có 400 tỷ đồng. Trong đó có 300 tỷ đồng phục vụ nâng cấp đê điều và 100 tỷ đồng cho chương trình nước sạch nông thôn. Ông Thắng cho rằng, đối với Hà Nội, công tác phòng chống thiên tai, tiêu nước phải gắn với bảo vệ cảnh quan, trong đó sớm đưa 4 con sông Tích, Đáy, Nhuệ, Tô Lịch trở về thành những con sông tự nhiên. Để có nguồn lực triển khai các dự án thủy lợi, theo ông Thắng, Hà Nội cần tính đến giải pháp xã hội hóa và vay vốn ODA.