Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt của Hà Nội: Đầu tư đồng bộ mới tạo hiệu quả

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một thời gian dài sụt giảm, đến năm 2017, lượng khách đi xe buýt ở Hà Nội đã tăng hơn 3% so với năm 2016. Theo các chuyên gia, tín hiệu đáng mừng ấy sẽ được nhân lên nếu hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt được đầu tư mạnh hơn, tạo bộ mặt tươi sáng, tăng sức hút người dân đến với xe buýt.

Bài 1: Bất ổn trong nội thành
Những năm qua, cùng với sự phát triển của mạng lưới xe buýt Hà Nội, hệ thống điểm dừng, nhà chờ cũng ngày càng nhiều thêm. Thế nhưng, hệ thống này lại đang bộc lộ không ít bất cập, hạn chế cũng như gặp rất nhiều khó khăn trong việc nâng cấp, phát triển, nhất là ở khu vực nội thành.
 Nhà chờ bến xe buýt Long Biên. Ảnh: Thanh Hải
Hành khách chật vật

Đại diện Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, hiện nay, toàn mạng lưới xe buýt của Hà Nội có trên 2.900 điểm đón trả, nhưng trong đó chỉ có 370 nhà chờ (khoảng 12,8%), còn lại là những điểm dừng không có mái che. Với gần 88% vị trí đón trả khách không có nơi tránh mưa nắng, xe buýt Hà Nội đang khiến không ít người dân tỏ ra ngần ngại khi lựa chọn làm phương tiện di chuyển.
Anh Đỗ Mạnh Hùng (Long Biên) cho biết: “Tôi thường sử dụng xe buýt để đi lại, nhưng những ngày mưa gió, giá rét hay nắng nóng, phải đứng đợi xe buýt ở các điểm dừng không có mái che thực sự rất vất vả”. Không chờ đợi được xe buýt dưới những cơn mưa tầm tã hay trong nắng nóng, anh Hùng cũng như nhiều người dân khác buộc phải chọn taxi hoặc xe cá nhân để di chuyển.

Bên cạnh đó, nhiều nhà chờ xe buýt hiện nay còn đang bị biến thành nơi tập kết rác, bị chiếm dụng để bán hàng hoặc thành nơi tụ tập của xe ôm, taxi, gây bất tiện cho hành khách. Đơn cử như 2 nhà chờ đối diện nhau tại đầu Ngõ 2 - phố Thái Hà. Nhà chờ hướng đi Láng Hạ thường xuyên bị bao vây bởi hàng chục thùng rác, bốc mùi nồng nặc.
Còn nhà chờ, hướng đi Chùa Bộc thì không biết từ bao giờ đã trở thành một cửa hàng kinh doanh phế liệu. Hoặc nhà chờ trên phố Phạm Ngọc Thạch, đối diện Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thì cứ mỗi khi chiều đến lại xuất hiện một hàng thịt nướng khói bay nghi ngút. Hay như điểm dừng xe buýt trước cổng Bến xe Nước Ngầm nghiễm nhiên trở thành “bến” xe ôm, điểm đỗ xe máy từ bao giờ không ai rõ.
Chị Nguyễn Thanh Huyền (Trần Thủ Độ, Hoàng Mai) chia sẻ: “Đứng chờ xe buýt trước cổng Bến xe Nước Ngầm là cả một “cực hình”. Xe ôm, taxi đổ xô vào chèo kéo; chào mời không được thì họ buông lời trêu chọc, cợt nhả. Mỗi khi xe buýt đến, vướng hàng xe máy trong điểm dừng họ phải đỗ ở giữa đường, tôi chạy theo đến khổ”.

Làm dâu trăm họ

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Công Nhật chia sẻ, việc xây dựng, nâng cấp hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt trong nội thành nhiều khi cứ như đi “làm dâu trăm họ”.
Theo vị lãnh đạo Transerco, khó khăn lớn nhất trong việc phát triển hệ thống nhà chờ xe buýt là phản ứng trái chiều của một bộ phận người dân sinh sống, kinh doanh dọc theo mặt tiền các tuyến phố. Lấy ví dụ như điểm đón khách trước cửa số nhà 54 phố Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa), ông Nhật cho biết, rất đông hành khách đã có kiến nghị cho xây dựng nhà chờ tại đây. Nhưng không ít ý kiến kịch liệt phản đối, nên lắp đặt rồi lại phải tháo dỡ đi. “Một số người cho rằng đặt nhà chờ chắn trước cửa nhà, cửa hàng của mình sẽ cản trở việc kinh doanh hoặc đi lại nên họ không đồng tình. Nếu cứ cố dựng lên thì không loại trừ nguy cơ bị ngầm phá hoại nên chúng tôi cũng rất lo” - ông Nhật cho biết.

Mặt khác, hiện nay hầu hết các vị trí dừng chờ xe buýt vẫn đang bị đặt ra ngoài quy hoạch làm đường. Ông Nhật phân tích, trên đại đa số các tuyến đường có xe buýt đi qua không có khu vực đường dẫn hoặc vịnh giao thông riêng phục vụ xe buýt. Do đó, mỗi khi đón, trả khách, xe buýt lại phải dừng ngay trên lòng đường, gây khó khăn cho dòng phương tiện lưu thông phía sau. Dư luận cũng đã có lúc đỗ lỗi cho xe buýt gây ùn tắc giao thông; thậm chí nhiều ý kiến còn yêu cầu bỏ điểm dừng chỗ này, di chuyển nhà chờ chỗ kia.

Theo các chuyên gia, việc không tính đến các điểm dừng chờ trong quy hoạch, thiết kế các tuyến đường phố tại khu vực nội thành đang gây ra nhiều khó khăn cho mạng lưới xe buýt Hà Nội. Nó vừa hạn chế khả năng tổ chức giao thông đối với cả xe buýt lẫn hành khách ra vào nhà chờ; vừa tồn tại những bất cập rất khó giải quyết khi muốn nâng cấp điểm dừng thành nhà chờ. Bên cạnh đó, công tác duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ các nhà chờ, điểm dừng xe buýt vẫn chưa được chú trọng đúng mức, nhiều hành vi xâm hại vẫn diễn ra phổ biến.q
Điểm dừng, nhà chờ là cây cầu nối người dân với xe buýt. Đặc biệt, khu vực nội thành lại càng cần có thêm nhiều nhà chờ che mưa nắng, dễ tiếp cận, an toàn, vệ sinh, sạch đẹp mới thu hút được người dân đến với loại hình vận tải công cộng chính yếu của Thủ đô.

Tiến sỹ Thạch Minh Quân - Đại học GTVT Hà Nội
(còn nữa)