Bài 3: Quy hoạch chi tiết để khai thác, quản lý
Hạ tầng phải đi trước
Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Công Nhật, từ trước tới nay, Hà Nội vẫn chỉ xem hệ thống điểm dừng, nhà chờ như một hợp phần đi kèm của xe buýt. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra thì điểm dừng, nhà chờ cần phải được xem xét, tách thành một quy hoạch riêng, song hành với quy hoạch mạng lưới vận tải công cộng. Thậm chí, quy hoạch hệ thống điểm dừng nhà chờ phải đi trước sự hình thành mạng lưới tuyến trong tương lai. Bởi nó là hạ tầng, tiền đề để xe buýt hoạt động. Ông Nhật cũng nêu lên 3 vấn đề của hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt, có thể giải quyết dứt điểm nếu xác lập được quy hoạch chi tiết. Thứ nhất là vị trí lắp đặt sẽ được chỉ định và tính toán trước, khi triển khai theo đúng quy hoạch, không xảy ra tình trạng nay cho đặt chỗ này, mai phải di dời đi chỗ khác.
Thứ hai, việc tổ chức giao thông kết nối với nhà chờ sẽ vô cùng thuận lợi vì trên quy hoạch đã tính toán sẵn các yếu tố cần thiết, kể cả những hạng mục phụ trợ như bãi gửi xe cá nhân, chuỗi cung ứng dịch vụ cho hành khách... Thứ ba là tính toán, sắp xếp được không gian (chiều cao, dài, rộng) để xây dựng nhà chờ. “Yếu tố này còn liên quan đến mỹ quan đô thị và đặc biệt là tạo nên hệ thống nhà chờ có quy chuẩn hiện đại, thu hút được quảng cáo, thương mại, tạo nguồn lực tái đầu tư cho xe buýt” - ông Nhật lý giải.Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, mạng lưới vận tải công cộng nói chung và xe buýt nói riêng của Hà Nội sẽ không ngừng phát triển, mở rộng. Điểm dừng, nhà chờ còn có vai trò kết nối quan trọng giữa các tuyến buýt với nhau và kết nối xe buýt với các loại hình vận tải công cộng khác. Do đó, lập Quy hoạch điểm dừng, nhà chờ không chỉ để phục vụ xe buýt mà quan trọng hơn còn là hình thành các điểm kết nối giữa hành khách với vận tải công cộng nói chung.Tháo gỡ dần khó khănMột số ý kiến khác lại cho rằng, việc lập quy hoạch chi tiết hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Trước mắt, để đảm bảo an toàn, thuận tiện nhằm thu hút người dân đến với xe buýt, vẫn cần phải có ngay những biện pháp tức thời để cải thiện bất cập hiện nay.
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn, đáng lo nhất là hệ thống điểm dừng khu vực nông thôn, ngoại thành, ven các tuyến đường lớn như: QL1 cũ, QL21B, 21A, QL32... “Sở vẫn đang kiên trì thuyết phục các cơ quan quản lý đê điều, thủy lợi, đường sắt phối hợp cho lắp đặt, xây dựng các điểm dừng, ít nhất là đảm bảo được an toàn cho hành khách. Tuy nhiên do tính chất phức tạp của các công trình nên cần phải có sự tham gia của cả chính quyền TP và các bộ, ngành liên quan mới có thể giải quyết được” - ông Tuấn chia sẻ.Bên cạnh đó, công tác duy tu, duy trì, bảo vệ hạ tầng xe buýt, nhất là điểm dừng, nhà chờ vẫn chưa được quan tâm đúng mức. TS Thạch Minh Quân (Đại học GTVT) cho rằng, vai trò của chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ, giữ gìn hạ tầng xe buýt còn khá mờ nhạt. TP Hà Nội cần có những quy định rõ ràng hơn nữa về trách nhiệm của người đứng đầu lực lượng chức năng địa phương trong công tác này. Nếu phải thành lập một lực lượng chuyên trách để đảm bảo, giữ gìn hơn 2.900 điểm dừng, nhà chờ xe buýt trên toàn TP thì không biết phải cần bao nhiêu tài chính, nhân sự cho đủ. Ông Quân nhìn nhận: “Vì thế cần chính quyền và các đoàn thể địa phương phải thực sự vào cuộc, tuyên truyền, vận động người dân kết hợp với các hình thức xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm, phá hoại mới giữ gìn được hệ thống hạ tầng vận tải công cộng”. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh, mỹ quan đô thị tại các điểm dừng, nhà chờ xe buýt, nhất là trong khu vực nội thành. Bởi có như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư, khai thác được nguồn lợi từ quảng cáo tại các nhà chờ xe buýt vốn đang còn rất nhiều tiềm năng.(còn nữa)