Hệ thống dữ liệu quản lý xây dựng: Chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quản lý xây dựng đô thị trên nền tảng công nghệ thông tin, hướng tới mục tiêu giảm chi phí, rút ngắn quá trình thực hiện các hồ sơ, thủ tục. Tuy nhiên, thực tế hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế.

Thiếu hệ thống thông tin dữ liệu và sự buông lỏng của cán bộ quản lý xây dựng khiến cho vi phạm trật tự xây dựng thường xuyên xảy ra. Ảnh: Doãn Thành
Còn nhiều hạn chế
Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1961/2010/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010 - 2015". Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Trần Anh Tuấn cho biết, để thực hiện Đề án này, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đã tập trung tổng hợp dữ liệu, khảo sát đánh giá thực trạng năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp và xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu đội ngũ nhân sự. Qua đó, giúp cho Bộ Xây dựng thuận tiện hơn trong việc giao nhiệm vụ cho các đơn vị thực hiện quản lý cơ sở dữ liệu về cán bộ quản lý xây dựng.
Tuy nhiên, trước quá trình đô thị hóa quá nhanh, kết quả đạt được chưa như mong muốn. Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, TS Trần Hữu Hà cho biết, bước sang thế kỷ 21, hệ thống đô thị Việt Nam phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, tuy nhiên công tác quản lý xây dựng, đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển của quá trình đô thị hóa. “Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống chính quyền đô thị chưa đủ năng lực quản lý, kiểm soát có hiệu quả tiến trình đô thị hóa. Đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, công chức chuyên môn phụ trách phát triển đô thị, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn đòi hỏi” – ông Hà cho hay.
Quản lý bằng công nghệ thông tin
Chuyên gia về quy hoạch đô thị, thạc sĩ Trần Tuấn Anh cho biết, CSDL phục vụ công tác quy hoạch xây dựng có vai trò quan trọng tại các đô thị. Để có thể cấp phép xây dựng cho một dự án cần phải tích hợp nhiều thông tin như ranh giới, địa hình, hiện trạng khu đất. Hiện trạng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật – hạ tầng xã hội như giao thông, cấp điện, cấp – thoát nước, thông tin liên lạc, điều kiện kinh tế tại khu vực đó… Nếu như không có hệ thống CSDL bằng phần mềm, việc tra cứu sẽ mất rất nhiều thời gian, tốn kém tài chính, mất đi cơ hội của nhà đầu tư và địa phương cũng mất đi cơ hội để phát triển kinh tế.
Trong xu thế chung của thế giới, việc xây dựng CSDL bằng hệ thống phần mềm vừa đảm bảo quá trình quản lý chặt chẽ, thủ tục hành chính dễ dàng, tạo mối quan hệ gần gũi giữa Nhà nước với người dân. Rất nhiều nước trên thế giới đã thực hiện xây dựng hệ thống CSDL thông tin bằng phần mềm để quản lý đất đai và quy hoạch xây dựng. Tại khu vực Đông Nam Á có Singapore và Malaysia là những quốc gia đi đầu trong công tác này. “Ở Malaysia, việc xây dựng CSDL được bắt đầu từ thập niên 70 của thế kỷ 20. Ngày nay, đây là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực, tạo ra những áp lực lớn cho Nhà nước về quản lý xây dựng tại đô thị. Vì vậy, họ đã xây dựng một hệ thống phần mềm CSDL quản lý bằng công nghệ thông tin, thực tế đã rất thành công” – ông Trần Tuấn Anh nói.
Hệ thống CSDL về xây dựng và cán bộ quản lý xây dựng góp phần phục vụ cho quá trình đô thị hóa, xây dựng đô thị thông minh, đảm bảo tính thống nhất của toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và pháp luật về xây dựng.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Thanh - Hội Quy hoạch phát triển đô thị

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần