Hết ám ảnh nhà vệ sinh trường học

Thủy Trúc – Thái San – Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Học sinh được sử dụng nhà vệ sinh (NVS) đạt chuẩn và sạch sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành giáo dục Hà Nội hướng đến trong năm học 2018 – 2019. Hiện nay, nhiều trường trong TP đã bắt đầu thực hiện mô hình NVS công nghiệp, để nơi đây không còn là nỗi ám ảnh của học sinh.

 Nhà vệ sinh đạt chuẩn tại trường THCS Việt Nam – Angiêri. Ảnh: Thái San

Từ nhà vệ sinh đạt chuẩn
“NVS – tuy là phụ, nhưng phải được xem là công trình quan trọng” - Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu khẳng định. Vì thế, quận Thanh Xuân đã đầu tư sửa chữa các NVS hiện đại, sạch đẹp tương đương như NVS phục vụ khách ở sân bay Nội Bài. Những trường xây mới đều được đầu tư đồng bộ, từ NVS đến các trang thiết bị bên trong. Những trường cũ, quận đầu tư, cải tạo, sửa chữa đạt 100% mới, chi phí khoảng 2,5 - 3 tỷ đồng/trường.
Tại trường THCS Việt Nam - Angiêri (quận Thanh Xuân), từ tháng 4/2016 đã đầu tư xây mới NVS với tổng số 24 NVS, trong đó 12 NVS cho học sinh nam, 12 NVS cho nữ. “Tất cả các NVS đều hiện đại, sạch, đẹp, có bình nóng lạnh, các chậu rửa tay ở phía ngoài, mỗi phòng vệ sinh nhỏ được ngăn cách từng ô riêng như ở sân bay” – Hiệu trưởng trường THCS Việt Nam – Angiêri Trần Minh Thủy cho biết.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2017 – 2018, Hà Nội đã có 1.669 trường có NVS đảm bảo đúng quy chuẩn quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT, đạt tỷ lệ 78%. Tới năm học 2018 – 2019 Sở GD&ĐT Hà Nội đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, sẽ quan tâm đến việc sửa chữa, nâng cấp trường học, hệ thống NVS, cây xanh, tạo dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp.
Còn tại trường Tiểu học An Hòa (quận Cầu Giấy), các phòng vệ sinh được thiết kế sạch đẹp, có gạch ốp lát, đầy đủ giấy vệ sinh, khăn lau tay và xà phòng rửa tay, máy sấy khô tay. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Công Thị Thu Huyền cho biết, trường được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm học 2017 - 2018. Do được thiết kế theo chuẩn, nên mỗi tầng có 3 NVS, bao gồm 1 của giáo viên, 2 của học sinh (có khu vệ sinh nam, vệ sinh nữ).
Hiện nay, mỗi tầng có 7 lớp học, 40 học sinh/lớp, trung bình 1 NVS phục vụ khoảng 140 em. Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh cho biết, quận đã làm NVS đạt chuẩn và thiết kế theo mô hình công nghiệp cách đây 4 – 5 năm, trên địa bàn 100% trường học trước khi xây dựng đều thiết kế NVS đạt chuẩn.
Đi vệ sinh không còn nỗi ám ảnh
Một NVS đạt chuẩn không chỉ có chất lượng cơ sở vật chất tốt, thiết bị hiện đại mà còn cần tới quản lý và chịu trách nhiệm để NVS luôn sạch sẽ. Tại trường THCS Việt Nam – Angiêri có đội ngũ chuyên trách để đảm bảo NVS luôn sạch từ 6 giờ sáng đến chiều tối, từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần. Sau các giờ ra chơi, học sinh đi vệ sinh xong, nhân viên lao công đều lau dọn sạch sẽ, chuyên nghiệp.
Còn tại Cầu Giấy, theo ông Phạm Ngọc Anh, một mặt, quận chủ động xây dựng, thiết kế NVS đạt chuẩn. Mặt khác, quận đã triển khai mô hình NVS công nghiệp. Nhà trường ký hợp đồng với các công ty chuyên nghiệp, hàng ngày có người lau dọn NVS sạch sẽ. Về phía quận Thanh Xuân, ông Phạm Gia Hữu cho biết, quận luôn xác định, để có NVS đạt chuẩn, không chỉ là sự đầu tư của các cấp chính quyền, trách nhiệm của công ty vệ sinh chuyên ngiệp mà cần có sự vận hành, quản lý tốt của nhà trường.
Vì thế, việc đảm bảo sạch sẽ NVS tại các trường học được gắn với trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh. Từ đó, quận triển khai các giải pháp tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức tự giác của học sinh và các cán bộ, nhân viên. Đến nay, NVS không còn là công trình phụ - nỗi ám ảnh của học sinh mà được học sinh thừa nhận “đẹp và sạch như khách sạn”.
Chia sẻ về NVS trường học, chị Trần Thu Thủy – phụ huynh học sinh trường Tiểu học Đặng Trần Côn (quận Thanh Xuân) nói: “Tôi rất hài lòng khi các con không e ngại, sợ NVS ở trường học như trước”. Còn Nguyễn Quang Minh – học sinh lớp 4 trường Tiểu học Dịch Vọng B thì bộc bạch, em và các bạn trong lớp đã sử dụng và giữ gìn NVS của trường giống như khi ở nhà, không cảm thấy có điều gì bất tiện hay có nỗi sợ không dám đi vệ sinh nữa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần