Hết rồi tuần trăng mật

Bạch Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - HLV Park Hang-seo đã có trận đấu đầu tiên với đội tuyển (ĐT) Việt Nam. Trận hòa trước Afghanistan giúp ĐT Việt Nam ghi tên mình vào lịch sử khi lần đầu tiên giành vé trực tiếp đến VCK ASIAN Cup.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm hân hoan về chiến công mới, ông Park Hang-seo đã phải đối diện với rất nhiều áp lực.
Giành vé bằng sự xù xì

Ông Park Hang-seo từng tuyên bố sẽ kế thừa lối chơi của những người tiền nhiệm. Đó là lối chơi dựa vào khả năng kiểm soát bóng với những pha bóng nhỏ, nhuyễn. Lối chơi này phát huy được sự khéo léo, linh hoạt của các cầu thủ Việt Nam. Thế nhưng, sau 90 phút thi đấu, nhiều người đã thất vọng về màn trình diễn của ĐT Việt Nam. Lối chơi mà ông Park Hang-seo xây dựng không đan lát, thích mắt như thời HLV Nguyễn Hữu Thắng. Trên sân là một đội bóng xù xì, hướng đến sự thực dụng là một trận hòa. Các cầu thủ không phô diễn được phẩm chất kỹ thuật điêu luyện, thậm chí chính đối thủ mới là những người kiểm soát được nhiều bóng và tạo ra những cơ hội ngon ăn về phía khung thành ĐT Việt Nam.
 Một pha tranh bóng giữa đội Việt Nam gặp Afghanistan. Ảnh: Tiến Dũng
Ông Park Hang-seo đã không dùng nhiều cầu thủ HAGL trong đội hình khiến lối chơi của ĐT Việt Nam mất đi nhịp điệu. Thay vào đó, nhà cầm quân này dùng nhiều cựu binh đến từ các đội bóng đang dẫn đầu V.League. Thậm chí, khi Công Phượng không phát huy được hiệu quả, nhà cầm quân này đã rút anh ra sân. Kết thúc trận đấu, ĐT Việt Nam có thêm 1 điểm, qua đó sớm giành vé đến VCK ASIAN Cup. Tất nhiên, lựa chọn ấy của ông Park Hang-seo đã khiến những người ưa thứ bóng đá lãng mạn cảm thấy không hài lòng, thậm chí là tổn thương vì ĐT Việt Nam đã để đối thủ lấn lướt ngay trên sân nhà.

Có vẻ như ông Park Hang-seo không quan tâm nhiều lắm đến việc phải xây dựng một lối chơi khiến nhiều người thích thú. Ông chỉ hướng đến mục tiêu là giành vé đi tiếp mà quên mất nhiệm vụ lấy lòng khán giả. Lựa chọn ấy khiến nhiều người hụt hẫng, phản ứng triết lý bóng đá thiên về thực dụng của nhà cầm quân người Hàn Quốc - chân lý cuối cùng, cái đẹp vĩnh cửu trong bóng đá là chiến thắng chứ không phải đá đẹp để thua.

Ông Park Hang-seo “chơi dao”

Lựa chọn về đội hình và lối chơi của ông Park Hang-seo khiến người ta nhớ đến người tiền nhiệm Miura. Ông Miura cũng hướng đến sự thực dụng trong việc xây dựng lối chơi. Nhà cầm quân này thậm chí đặt ra quan điểm chỉ tuyển những cầu thủ thể hình, thể lực tốt và có tinh thần chiến đấu cao. Ông thậm chí còn bỏ ngoài tai lời tư vấn nên dùng các cầu thủ HAGL để rồi bị bầu Đức tấn công trực diện và mất chức.

Cũng chính vì cách tiếp cận vấn đề hướng đến kết quả thay vì trình diễn của ông Park Hang-seo mà nhiều người cho rằng, nhà cầm quân này đang “chơi dao”. Những tín hiệu không vui với HLV người Hàn Quốc khi những ngày qua, ông liên tục phải nhận lời chỉ trích vì không có màn ra mắt hoàn hảo. Sự hoàn hảo ở đây là một lối chơi thêu hoa dệt gấm, lấn lướt đối thủ trên sân nhà. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, khả năng đọc trận đấu của ông không cao và thiếu sự nhạy cảm để cố kết các cầu thủ.

Ông Park Hang-seo rõ ràng đang đối diện với nhiều áp lực ở một nền bóng đá luôn mâu thuẫn giữa giấc mơ và thực tại. Người ta muốn ĐT luôn chơi đẹp nhưng không được phép mạo hiểm. Và thế là khi có một HLV thiên về thực dụng thì ngay cả khi hoàn thành chỉ tiêu về chuyên môn thì vẫn bị chỉ trích. Thậm chí, những chỉ trích với ông Park Hang-seo sẽ lớn hơn trong thời gian tới dù vẫn biết rằng, nhà cầm quân này mới có 7 ngày huấn luyện ĐT.

Tuần trăng mật của ông Park Hang-seo với ĐT Việt Nam đã khép lại. Trước mắt nhà cầm quân này là muôn trùng áp lực. Ở đó, ông phải chứng minh được khả năng chuyên môn thông qua thành công trên sân cỏ. Bởi nếu có bất cứ tai nạn nào trên sân cỏ thì chắc chắn, ông sẽ đối diện với nhiều rủi ro về nghề nghiệp. Hơn lúc nào hết, vị thuyền trưởng của ĐT Việt Nam cần sự ủng hộ, phản biện từ các chuyên gia để có được những quyết định đúng về chuyên môn. Hy vọng, ông sẽ không đi theo vết xe đổ của HLV Miura cũng như người tiền nhiệm Nguyễn Hữu Thắng.