Hết Tết, đào quất thành… rác

Hoàng Hiệp
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở Hà Nội, mỗi dịp Tết đến xuân về không thể không có một cành đào hay cây quất cảnh để trang trí trong nhà. Và cũng chẳng có năm nào, sau dịp Tết lại không có cảnh những cành đào, cây quất bị vứt bừa bãi, ngổn ngang dưới lòng đường, trên vỉa hè...

Sau Tết, không khó để có thể bắt gặp cả dãy đào, quất sau khi được người dân chơi Tết đã bị tập kết ra đường, những thùng rác được nèn chặt bởi nhiều cành đào lớn nhỏ. Số phận những cành đào, cây quất đã “đảo chiều” chóng mặt, từ một món hàng được nâng niu, săn mua dịp trước Tết, chỉ trong vài ngày đã trở thành… rác.

 Hàng trăm cành đào bị bỏ lại sau Tết trên phố Giáp Nhất (quận Thanh Xuân) chờ thu dọn

 

 Không khó để bắt gặp cảnh "xác đào" vứt trên đường như thế này

Thấm nhất có lẽ là những công nhân vệ sinh môi trường khi công việc hàng ngày vốn đã nặng nhọc lại phải bất đắc dĩ “gánh” thêm một lượng đáng kể rác thải “cồng kềnh” ngay sau Tết. Chị Phạm Thuý Hạnh – công nhân Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, những cành đào đã được người dân bỏ rải rác vài ngày nay, cao điểm nhất có lẽ là khoảng từ mùng 6 đến mùng 8 Âm lịch. Đối với cây quất, người dân sẽ bỏ đi muộn hơn một chút.

 

 Chị Phạm Thuý Hạnh làm việc trên phố Yên Lãng (quận Đống Đa)

“Những cành đào tuy không quá nặng nhưng lại chiếm rất nhiều diện tích của các loại rác khác, khiến công việc thu gom, vận chuyển bị ảnh hưởng đáng kể. Nhiều cành đào rừng rất to khi cho vào xe ép rác có thể bị kẹt, do đó chúng tôi buộc phải chặt nhỏ ra trước khi vận chuyển, rất mất thời gian” – chị Hạnh cho hay.

 Đào quất "rộn ràng" ra thùng rác trên phố Đội Cấn (ảnh: Hoà Phạm)

 

 Sau Tết, những cành đào cùng chung số phận với các loại rác thải sinh hoạt khác

Đại diện Công ty URENCO cho biết, sau mỗi dịp Tết, đơn vị này phải thu gom, vận chuyển hàng trăm ngàn cành đào, cây quất bị người dân vứt bỏ. Phương pháp xử lý vẫn là vận chuyển cùng rác thải sinh hoạt và đưa đi chôn lấp tại Bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). “Một số người dân đã có ý thức tự chặt nhỏ cành cây và bó lại trước khi vứt bỏ, điều này sẽ giúp công tác thu gom, vận chuyển của chúng tôi dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều" - vị này chia sẻ.

 

Nhiều người dân cho rằng, nếu mỗi người chơi đào, quất đều có ý thức nâng niu, thu dọn xác đào sau Tết gọn gàng và cùng giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường thì có lẽ thú chơi hoa đào, cây quất vào mỗi dịp Tết Nguyên đán sẽ trở nên trọn vẹn và ý nghĩa hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần