Hết thời đi xe sang mua… nhà ở xã hội

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục đích chính của phân khúc nhà ở xã hội (NƠXH) là dành cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, đôi khi tinh thần tốt đẹp này vẫn đi chệch đường ray. Không hiếm trường hợp giới nhà giàu tranh cơ hội mua nhà của người nghèo.

Căn nguyên do khâu xét duyệt hồ sơ còn lỏng lẻo. Kẽ hở này nhiều khả năng được triệt tiêu với động thái xây dựng Cổng thông tin điện tử về NƠXH của Hà Nội.
Hổng từ khâu xét duyệt hồ sơ

Thời gian qua, các chuyên gia BĐS đã không ít lần đưa ra cảnh báo về sự mập mờ trong khâu thẩm định, xét duyệt hồ sơ mua NƠXH. Trong khi các chủ đầu tư phân khúc trên khẳng định việc xét duyệt đối tượng thuê mua NƠXH cực kỳ chặt chẽ. Giới chuyên gia phản biện “khó tránh khỏi tiêu cực”. Bởi, về cơ bản quy trình người đi nộp hồ sơ (đối tượng mua) và người nhận xét duyệt hồ sơ (chủ đầu tư) không có người thứ ba kiểm tra. Từ đó, dễ xuất hiện trường hợp “lót tay” để ưu tiên xuất NƠXH cho đối tượng… không nghèo. Danh sách sau khi “đã đâu vào đấy” mới được chủ đầu tư chuyển để công bố trên trang thông tin Sở Xây dựng.
Dự án Ecohome góp phần giải quyết hàng nghìn nhà ở cho người thu nhập thấp. Ảnh: Phạm Hùng
Việc người giàu lọt vào danh sách mua NƠXH đã không còn ở dạng truyền miệng khi thông tin 3 người nhà của lãnh đạo DN BIC – chủ đầu tư dự án NƠXH Rice City, Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (Hà Nội) từng bị “phanh phui” vào năm 2016. Một doanh nhân BĐS có tiếng từng “bật mí” câu chuyện chủ đầu tư tặng suất mua NƠXH cho đại diện các cơ quan quản lý đã giúp đỡ họ trong quá trình thực hiện dự án. Hầu hết các trường hợp này chỉ nhằm “xí chỗ”, sau khi mua được nhà, họ bán suất cho người khác chứ không ở tại căn hộ đó. Theo chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành, sự phân bổ trách nhiệm vốn đã không ổn ngay từ khi bắt đầu. Thật nực cười khi chủ đầu tư – đơn vị kinh doanh lấy yếu tố lợi nhuận là trọng yếu, được tự lập dự án xây dựng rồi tự xét duyệt, lên danh sách hồ sơ bán nhà. Từ quy trình xét duyệt hổng kéo theo những khâu tiếp theo cũng tù mù. Đến khi có phản ánh tiêu cực, sai phạm thì quay lại điểm xuất phát để kiểm tra, đáng lẽ ra khâu này phải là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý.

“Tại một số nước tiên tiến như Mỹ, Đức, Canada… chủ đầu tư còn không kiêm công ty xây dựng. Họ đơn thuần là một tổ chức có chức năng đảm bảo việc xây dựng NƠXH. Sau đó, đấu thầu lựa chọn công ty xây dựng thuần túy làm về xây dựng. Cắt một mạch giữa công ty xây dựng là đơn vị thực hiện dự án với chủ đầu tư của dự án thành hai đối tượng khác nhau. Trong khi, Việt Nam vẫn nhập làm một. Chính sách NƠXH có sự trợ giúp của Nhà nước thì xét duyệt phải là công việc khách quan do cơ quan Nhà nước thực hiện.” – ông Thành cho hay.

Hiện, TP Hà Nội có 48 dự án NƠXH đang triển khai. Trong đó, UBND TP đang giao cho các chủ đầu tư khẩn trương triển khai tổ chức lập quy hoạch đối với 4 khu NƠXH tập trung, đảm bảo đồng bộ về nhà ở với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu nhà ở, tại các xã: Tiên Dương (huyện Đông Anh), Cổ Bi (huyện Gia Lâm), Ngọc Hồi (Thanh Trì). Việc phát triển khu NƠXH tập trung của TP trước tốc độ đô thị hóa hiện nay được nhận định không chỉ đáp ứng được nhu cầu thiết yếu, thu hút được người dân mua nhà để ở mà còn tạo điệu kiện sống văn minh cho cư dân.

Xếp hàng mua để kiểm tra chéo

Liên quan đến vấn đề mua – bán NƠXH, mới đây, tại phiên họp tập thể UBND TP tháng 3/2018, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, các quy định hiện nay về quản lý bán, cho thuê, thuê mua NƠXH trên địa bàn TP còn đang lỏng lẻo, đối tượng chưa được xác định rõ.

“Cần xác định rõ tiêu chuẩn các đối tượng được mua NƠXH. Trước hết người thuê, mua NƠXH phải là đối tượng không có điều kiện mua nhà ở phân khúc thương mại có giá trị cao. Đồng thời, lưu ý quy định này chỉ được áp dụng với một đối tượng trong gia đình, tránh trường hợp cả vợ cả chồng ở hai cơ quan khác nhau đều nộp hồ sơ xin mua NƠXH” – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phân tích.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch UBND TP đề nghị các cơ quan chức năng của TP cần phối hợp sớm xây dựng Cổng thông tin điện tử để người mua nhà đăng ký “xếp hàng” mua công khai. Từ đó, phải chịu trách nhiệm trước đăng ký của mình. Song song, các tiêu chuẩn, quy định cụ thể khi mua, thuê mua cũng phải được công khai trên mạng. Nếu hồ sơ mua nhà không đủ tiêu chuẩn sẽ bị loại ngay.
Dự án nhà ở xã hội The Vesta từng thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng. Ảnh: Công Hùng
Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm đánh giá cao động thái thiết lập sự minh bạch khi xây dựng Cổng thông tin điện tử về NƠXH của Hà Nội. Trước đây, chúng ta cũng đã có công khai danh sách đối tượng được mua, thuê mua NƠXH trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng. Thế nhưng, cần phải tiếp tục mở rộng công khai, ít nhất là tại Cổng thông tin của UBND TP Hà Nội để cơ hội tiếp cận của người dân được nhanh hơn, rộng hơn và cũng là tạo điều kiện để người dân tự “kiểm tra lẫn nhau”.

“Ngay từ đầu, nếu công khai tất cả danh sách sẽ phát hiện được những điểm bất cập. Ông B. giàu có, ông C. quan chức vì thế cũng “ngại” hơn khi được suất ngoại giao vì sợ “dân kiểm tra, dân phát hiện”. Chủ đầu tư, lúc này chỉ còn ở vai thư ký. Tức là, chấm điểm theo danh sách công khai. Không còn tình trạng tay trái nhận “lót tay”, tay phải đánh đậu hồ sơ. Người dân đọc, nghiên cứu, tìm hiểu các quy định về NƠXH ở kênh chính thống thời gian chuẩn bị hồ sơ cũng rút ngắn lại.” – ông Liêm nhấn mạnh.