Hết thời “tiến sĩ giấy”?

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) lại một lần nữa khiến dư luận ồn ào khi hàng loạt sai phạm tại cơ sở này được Thanh tra Bộ GD&ĐT công bố.

Chỉ trong 3 năm, Học viện Khoa học Xã hội đã chiêu sinh hơn 1.100 tiến sĩ, 4.800 thạc sĩ khiến nhiều người giật mình, bất ngờ với “năng suất” cho ra lò tiến sĩ tại đây.
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nhìn nhận lại, việc đào tạo đại học và sau đại học ở Việt Nam có quá nhiều vấn đề. Hàng năm, lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường không đếm xuể, nơi nơi đua nhau mở trường, mở lớp, nhưng số người có thể làm được việc, thích ứng với thực tế lại chẳng là bao. Rồi, chính những cử nhân thất nghiệp ấy, lại đi học thạc sĩ, tiến sĩ để lấp thời gian trống. Hệ quả, cả một lò tiến sĩ ra đời với cấp số nhân mà công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn công việc thì chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Dường như, không ít phó giáo sư, tiến sĩ chỉ nhăm nhăm lấy tấm bằng cho đẹp hồ sơ để có cơ hội thăng quan tiến chức, để so đo, giành giật nhau địa vị trong xã hội.

Nhiều người cho rằng, nếu làm thạc sĩ, tiến sĩ chỉ để nghiên cứu khoa học thuần túy thì lãng phí tiền của, nếu để trở thành quan chức lãnh đạo thì sẽ là một thảm họa khó lường khi những người tài hay bất tài, tiến sĩ thật và “tiến sĩ giấy” bị đặt nhầm chỗ.

Nghĩ về việc đào tạo tiến sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội, một giáo sư có tiếng ngậm ngùi, trong khi làm tiến sĩ về khoa học tự nhiên và công nghệ ngày càng khó, đòi hỏi có công bố quốc tế thì khoa học xã hội và nhân văn lại quá dễ dãi. Chỉ cần có tiền, có thời gian, chịu khó chép tài liệu, đạo văn hoặc vài ba điều tra, nghiên cứu đơn giản… là đủ điều kiện để thành tiến sĩ. Trước tình trạng này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận, thời gian qua, một số đơn vị đào tạo tiến sĩ đã thực hiện chưa nghiêm, dẫn đến chất lượng đào tạo tiến sĩ bị ảnh hưởng.

Và một động thái nghiêm túc và quyết liệt nhất từ trước đến nay nhằm siết lại khâu đào tại tiến sĩ được cho là lỏng lẻo, chạy theo số lượng, đó là việc Bộ GD&ĐT đã chính thức ban hành Quy chế mới về tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ. Quy chế này đã có hiệu lực và sẽ được áp dụng trong thời gian tới với những quy định khắt khe về cả “đầu vào” lẫn “đầu ra” của một tiến sĩ, hy vọng sẽ hạn chế được phần nhiều tình trạng “tiến sĩ giấy” như thời gian qua.

Dẫu còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quy chế này, bên cạnh đó, không ít người cho rằng, những quy định mới quá chặt chẽ sẽ không nhiều người, nhiều cơ sở đáp ứng được. Nhưng quan điểm của Bộ GD&ĐT là lấy chất lượng làm trọng tâm đào tạo. Vì vậy, người dân có quyền kỳ vọng, việc đào tạo tiến sĩ trong thời gian tới sẽ không xô bồ, lỏng lẻo như suốt thời gian dài vừa qua.

Tuy nhiên, quy chế đã có nhưng vẫn cần sự giám sát chặt chẽ hơn, không chỉ sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GD&ĐT mà cả cơ quan cao hơn để có những chỉ đạo, xử lý triệt để khi phát hiện vi phạm, tránh để xảy ra sự cố như vụ việc tại Học viện Khoa học Xã hội vừa qua.