Hiểm nguy rình rập trên cao

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự việc cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12A (tầng 13) chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội) may mắn thoát "án tử" bởi được anh Nguyễn Ngọc Mạnh (trú tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) đỡ kịp thời như một điều kỳ diệu. Nhưng vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn tính mạng tại chung cư cao tầng.

Đây không phải lần đầu sự việc xảy ra tại chung cư cao tầng. Nói rằng "kỳ diệu" bởi cháu bé không nguy hiểm đến tính mạng, trong khi những vụ việc trước đây đều mang đến nỗi đau không chỉ của người thân nạn nhân. Và mỗi khi tai nạn xảy ra, người ta thường đổ lỗi cho sự bất cẩn của người lớn hoặc quy cho chủ đầu tư xây dựng tòa nhà không tính toán kỹ đến vấn đề an toàn cho mọi cư dân sinh sống.
Trước những sự việc thương tâm, nhiều ý kiến từ phía người hành nghề xây dựng nêu rằng, nguyên nhân khiến trẻ em (kể cả người lớn) bị rơi từ trên tầng cao xuống xuất phát từ thiết kế thiếu hợp lý của một số tòa nhà. Trước tiên, do lan can và hành lang được thiết kế xây dựng thấp, chiều cao cửa sổ không hợp lý. Hiện nay, chỉ số an toàn tại các chung cư được thiết kế theo quy chuẩn, lan can đều cao trên 1m. Nhưng một số chung cư thiết kế lan can căn hộ có tay vịn bằng inox hoặc thép khiến trẻ nhỏ dễ trèo lên hay có những căn hộ thiết kế lan can khe hở quá to nên trẻ em chui lọt. Có chung cư cao tầng, cửa sổ không làm chấn song để tạo thuận lợi cho công tác cứu hỏa…, điều này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Hoặc cũng có vụ việc do kê đồ đạc ở khu lan can, trẻ hay leo trèo vì tò mò, khám phá.

Ngoài một số vụ tử vong vì ngã, rơi từ chung cư, sự an toàn tính mạng của cư dân còn bị rình rập bởi cháy nổ. Đã có những vụ hỏa hoạn xảy ra cướp đi sinh mạng của nhiều người. Vì thế, để đảm bảo an toàn tính mạng của cư dân, năm 2019, Bộ Xây dựng đã hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư. Theo đó, rất nhiều vấn đề trong xây dựng được cụ thể hóa, trong đó quy định: Rào, lan can ban công và lô gia, bao gồm cả chiều cao từ sàn đến mặt dưới lỗ cửa/bậu cửa sổ trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp không được nhỏ hơn 1,4m; lan can các lô gia và ban công từ tầng 3 trở lên phải làm từ vật liệu không cháy...

Tai nạn trẻ em ở chung cư không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà nhiều nước phát triển trên thế giới đã phải đối mặt. Để đảm bảo an toàn tính mạng cư dân, đặc biệt là trẻ em, tại New York (Mỹ), chính quyền TP này yêu cầu chủ các tòa nhà phải lắp đặt hệ thống cửa sổ bảo vệ, nhất là đối với các gia đình có con nhỏ; đồng thời, triển khai chương trình phổ cập kiến thức cho cha mẹ để đảm bảo an toàn cho trẻ nên đã giảm 96% các trường hợp nhập viện vì chấn thương do ngã từ cửa sổ... Điều đó cho thấy, việc đảm bảo an toàn tính mạng cho cư dân tại chung cư luôn phải được chú trọng, đề cao, bởi phát triển nhà cao tầng là xu thế tất yếu của đô thị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần