Hiểm nguy từ những tuyến đường cao tốc

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng cùng lúc nhiều tuyến cao tốc nhưng thiếu trang thiết bị, phương thức vận hành, cảnh báo rủi ro, người tham gia giao thông thiếu ý thức; đó chính là những nguyên nhân khiến nhiều tuyến cao tốc ở nước ta luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT thảm khốc.

Hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ
Giảng viên trường Đại học GTVT, TS Đặng Minh Tân chia sẻ, đường cao tốc vốn để dành cho các phương tiện lưu thông với tốc độ cao; và để tránh xảy ra TNGT, nó cần có đầy đủ thiết bị cảnh báo cũng như phương thức vận hành, sử dụng phải đạt độ chính xác tuyệt đối. Hiện, hầu hết các tuyến đường cao tốc ở nước ta chưa được trang bị hệ thống giao thông thông minh, cảm biến đo tốc độ, mật độ phương tiện, hệ thống cảnh báo…. Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, mạng lưới đường cao tốc ở Việt Nam đang thiếu đi một hệ thống kỹ thuật hiện đại để đảm trách 2 phần việc là điều tiết phương tiện tách - nhập đường cao tốc và nhận biết các tín hiệu nguy hiểm để đưa ra cảnh báo.

Xe máy lưu thông chung với ô tô trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang dễ gây mất an toàn giao thông. Ảnh: Ngọc Hải

Ở nhiều nước phát triển, các cảm biến thông minh đo tốc độ, mật độ của phương tiện được lắp đặt dưới mặt đường hoặc trên các cột cao dọc tuyến. Khi phát hiện có xe chạy quá nhanh, không giữ khoảng cách an toàn hoặc quá nhiều xe ở gần nhau, các cảm biến này sẽ gửi tín hiệu về trung tâm điều khiển để có biện pháp cảnh báo người tham gia giao thông. Mặt khác, việc tách - nhập đường cao tốc phải được thực hiện theo nhịp đèn tín hiệu giao thông, thậm chí các cổng ra vào còn được trang bị barie để chủ động điều tiết, khi an toàn xe mới được ra hoặc vào cao tốc để đảm bảo tránh xảy ra va chạm, TNGT. Hầu như tất cả các tuyến đường cao tốc tại nước ta đều chưa có hệ thống tín hiệu này; điều đó đồng nghĩa với việc bỏ ngỏ khả năng cảnh báo, ngăn chặn TNGT ngay từ khi nó chưa xảy ra. Bên cạnh đó, công tác tổ chức giao thông, cứu hộ cứu nạn trên nhiều tuyến cao tốc cũng rất đáng lo ngại. Đơn cử như cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, với tốc độ lưu thông tối đa đạt đến 90km/giờ nhưng một số đoạn vẫn cho phép xe máy và ô tô lưu thông chung, tiềm ẩn nguy cơ TNGT cực kỳ cao. Hay tiêu chuẩn cứ 50km phải đặt một trạm thường trực cứu hộ, cứu nạn cũng chưa có đơn vị quản lý cao tốc nào thực hiện được.
Nguyên nhân chủ quan
Hiện tượng chạy quá tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn, đi sai làn, vượt ẩu, thậm chí là đi ngược chiều, đi lùi… đã trở thành quen thuộc trên các tuyến đường cao tốc ở nước ta. Ngày 3/10/2016, trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây, một xe cấp cứu đã đâm phải một xe bồn đang dừng sửa chữa tại làn dừng khẩn cấp khiến 3 người thương vong. Hoặc mới đây nhất, ngày 6/2, vì một lý do “trời ơi đất hỡi” - do tránh đâm phải một chú chó chạy rông trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, 3 chiếc xe đã đâm liên hoàn, rất may không có thiệt hại về người. Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhận định: “Nhiều tài xế dường như quá xa lạ với cách thức lưu thông trên cao tốc, nên đến đường rộng, đẹp là chạy “thục mạng” bất chấp mọi quy định”. Nhìn vào cách một bộ phận không nhỏ người điều khiển phương tiện trên các tuyến cao tốc ở nước ta thì nhận định đó quả không sai.
Lật lại vấn đề ý thức, cần phải nhìn nhận rằng người tham gia giao thông hoặc chưa được trang bị kiến thức đầy đủ, hoặc quá thiếu ý thức tuân thủ. Ngay quy định về khoảng cách an toàn giữa các xe lưu thông trên cao tốc là bao nhiêu, nhiều tài xế cũng không nắm được. Anh Nguyễn Minh Chiến (Thanh Oai, Hà Nội) trả lời thẳng thắn: “Lúc học để thi lấy bằng lái xe thì có biết nhưng ít lâu thì quên luôn. Tôi cứ áng áng khoảng cách an toàn với xe trước tùy theo tốc độ chạy của mình thôi”. Thực tế đó cho thấy, việc tuyên truyền, giáo dục các quy định, ý thức tham gia giao thông còn chưa thực sự hiệu quả. Lỗi ý thức của cả người tham gia giao thông lẫn những bất cập trong quản lý, vận hành cao tốc chính là nguyên nhân chủ quan dẫn đến rủi ro trên các tuyến đường được cho là “hiện đại” nhất Việt Nam.
Việt Nam hiện có 13 tuyến cao tốc, tổng chiều dài 745km; 8 đoạn tuyến đang xây dựng dài 472km; theo kế hoạch còn phải xây dựng thêm 21 tuyến khác với tổng chiều dài 6.411km.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần