Hiến kế cải cách giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 26/5, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VinaSME), cùng Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội nghị trực tuyến “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, và Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Greence chủ trì hội nghị. Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện các bộ cùng đại diện hiệp hội, doanh nghiệp.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Khắc Kiên

Kết quả khảo sát 126.565 doanh nghiệp trên cả nước của Bộ KH&ĐT cho thấy, có tới 85,7% bị tác động của dịch Covid-19. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chịu tác động mạnh nhất với tỷ lệ lần lượt là 86,1% và 85,9%, nông lâm nghiệp và thủy sản là 78,7%, một số ngành có tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng như hàng không là 100%, dịch vụ lưu trú là 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, đại lý du lịch là 95,7%, giáo dục đào tạo là 93,9%. Vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung có tỷ lệ doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Có tới 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho rằng thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh,  47,2% doanh nghiệp  có hoạt  động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, để kịp thời ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng như chia sẻ khó khăn, đảm bảo cuộc sống của người dân lao động, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, an ninh lương thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng thời, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và chuyển đổi phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng điện tử hóa phi giấy tờ, ứng dụng công nghệ thông tin.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm ước tính khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Cùng đó, các bộ ngành đã có phương án  xử lý 1.501 mặt hàng chồng chéo về thẩm quyền, tới đây, tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử từ việc chuẩn mực quốc tế và cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.
Từng bước chuyển từ báo cáo giấy sang báo cáo điện tử thông qua hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, báo cáo bộ ngành địa phương. Dự kiến tháng 6 tới sẽ khai trương hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ hướng tới hoàn thiện, ban hành hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Cổng dịch vụ công Quốc gia được khai trương đến nay được gần 6 tháng đã có 408 dịch vụ công trực tuyến được thực hiện, trong đó 170 dịch vụ công phục vụ người dân, 238 dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp...
Thời gian tới, Chính phủ xác định sẽ thông qua và triển khai thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, với mục tiêu cắt giảm đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ. Cùng với đó, thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ các đối tượng khó khăn do dịch Covid-19  trên cổng dịch vụ công Quốc gia.
Thông qua Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Văn phòng Chính phủ, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các cơ quan liên quan mong muốn lan tỏa được những thông tin hữu ích cho doanh nghiệp.
Đồng thời, đây cũng là dịp ghi nhận ý kiến thực tiễn từ cộng đồng doanh nghiệp để tiếp tục tiến trình cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và tổ chức thực thi một cách hiệu quả, sớm đưa những kết quả cải cách đi vào cuộc sống.
Tại hội nghị đã diễn ra 2 phiên thảo luận. Phiên 1 dưới sự điều hành của TS Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đánh giá về hiện trạng của doanh nghiệp và hiến kế cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam bứt phá sau dịch bệnh Covid-19.
Phiên 2: Bàn thảo và đưa ra định hướng cải cách thủ tục hành chính trong và sau dịch bệnh Covid-19 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng điều hành. Trong đó, tập trung vào thông tin về chính sách, quy trình thực hiện thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ của Chính phủ để khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19 trong lĩnh vực an sinh xã hội, tài chính - ngân hàng; Giới thiệu về Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, Cổng dịch vụ công quốc gia...
Hội nghị cũng được kết nối trực tuyến với các điểm cầu tại 19 tỉnh, TP bao gồm Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Hòa Bình, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Quảng Bình, Hà Giang, Thái Bình, Hải Dương, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Ninh Bình.