Hiện thực hóa “giấc mơ hoa”

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 13 năm dày công gây dựng, chị Bùi Hường Bích đã phát triển Hợp tác xã (HTX) Đan Hoài (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng) trở thành “thủ phủ” của hoa lan Hồ Điệp.

Hiệu quả của mô hình cho đến nay thêm một lần khẳng định tính ưu việt của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Thu lời hàng tỷ đồng mỗi năm

Nhận thấy lợi thế đất đai màu mỡ ven sông Hồng cùng nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm hoa cao cấp, chị Bùi Hường Bích - Giám đốc HTX Đan Hoài ấp ủ ý định biến vùng đất thành nơi cung cấp hoa lan Hồ Điệp. Sau vài năm tìm hiểu, HTX đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc và đặc biệt là Tập đoàn hoa Flora quốc tế, từng bước nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà kính, tưới tiêu tự động, điều chỉnh ngoại cảnh... vào sản xuất hoa lan.

Công nhân chăm sóc hoa tại Hợp tác xã Đan Hoài, huyện Đan Phượng. Ảnh: Trọng Tùng

Đến nay, diện tích sản xuất hoa lan của HTX Đan Hoài được mở rộng lên tới 12.500m2. Một phòng nuôi cấy mô hiện đại cũng đã được xây dựng, giúp HTX kiểm soát được nguồn cây giống. Cùng với đó là hệ thống làm lạnh, bảo quản hoa sau thu hoạch. Nhờ sự đầu tư bài bản, khoa học, những năm qua, HTX Đan Hoài sản xuất trung bình khoảng 250.000 cây hoa các loại. Doanh thu đạt từ 4 - 5 tỷ đồng/năm, trừ chi phí sản xuất cho thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động, với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Thành công nhờ liên kết “4 nhà”

Theo chị Bùi Hường Bích, thành công của HTX Đan Hoài có được là nhờ sự giúp đỡ rất lớn từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể, từ năm 2006 - 2009, HTX nhận được hỗ trợ đầu tư của Sở KH&CN tỉnh Hà Tây (cũ) để triển khai dự án “Nghiên cứu tổ chức sản xuất và tiêu thụ hoa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Hà Tây”. Tiếp đến năm 2007, Bộ KH&CN chọn HTX Đan Hoài là đơn vị triển khai dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi có tên “Xây dựng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao theo quy mô công nghiệp tại huyện Đan Phượng”. Những trợ lực về chính sách trên là tiền đề để HTX Đan Hoài mạnh dạn xây dựng, tiếp tục đưa vào triển khai dự án “Thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị đồng bộ tạo môi trường phù hợp cho hoa lan Hồ Điệp ra hoa theo ý muốn, chất lượng, hiệu quả theo quy mô công nghiệp”. Với sự giúp đỡ của Cục Sở hữu trí tuệ, Sở NN&PTNT Hà Nội, HTX Đan Hoài còn xây dựng thành công thương hiệu hoa lan Hồ Điệp “Flora Việt Nam”.

Theo chị Bích, sự liên kết chặt chẽ của 4 nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - DN - Nhà nông) chính là yếu tố tiên quyết mang lại những bước đi đột phá cho HTX Đan Hoài. Dù vậy, khó khăn đối với HTX Đan Hoài nói riêng, các HTX nói chung theo chị Bích vẫn còn rất nhiều. Nổi cộm là cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, khả năng tiếp cận công nghệ và cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của các nhà khoa học, DN. Giám đốc HTX Đan Hoài cho rằng, để phát triển được các HTX hiện nay, cần giải quyết tốt bài toán vốn và kỹ thuật sản xuất. Theo đó, TP cần thúc đẩy các chính sách khuyến khích nhà khoa học, DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, nhất là đối với các HTX, DN vừa và nhỏ… Đây sẽ là đòn bẩy cần thiết để các HTX có điều kiện bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó phát huy vai trò của các HTX trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới hiện nay.qư
Trong dịp thăm mô hình hoa lan Hồ Điệp tại HTX Đan Hoài cuối tháng 10/2017, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, đây là cách làm chủ động, sáng tạo, hiệu quả và cần được nhân rộng trong xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần