Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, hiện đại

Công Trình (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 01 của UBND TP Hà Nội về “Năm trật tự và văn minh đô thị”, diện mạo đô thị đã có chuyển biến tích cực, được Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.

Ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội

Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục tồn tại hạn chế trong công tác này, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội.
Sáng trên, sạch dưới
Ông có đánh giá gì về bộ mặt đô thị Thủ đô sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 01 về “Năm trật tự và văn minh đô thị”?
- Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các sở ngành, đơn vị, trong 3 năm thực hiện Chỉ thị 01 bộ mặt đô thị đã có những chuyển biến tích cực, TP đã xanh hơn, đẹp hơn, tạo được sự đồng thuận của Nhân dân, hướng tới một đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, đô thị thông minh và có bản sắc.
Những chuyển biến đó được thể hiện từ ý thức của người dân, chính quyền địa phương đến tình hình trật tự ATGT, trật tự đô thị trên các tuyến phố. Cụ thể: Ngoài việc xóa bỏ chợ “cóc”, lập lại trật tự lòng đường vỉa hè, trong những năm qua, các đơn vị có liên quan đã khẩn trương tổ chức “dọn dẹp rác trời”. Tính từ năm 2014 đến tháng 9/2016, liên ngành Xây dựng – Thông tin truyền thông – Điện lực Hà Nội đã thanh thải dây cáp, dây thông tin trên 342 tuyến phố, với khoảng 10 triệu mét dây được dỡ bỏ. Đồng thời, năm 2016, tập trung vào hạ ngầm các đường dây cáp thông tin, điện lực bằng nguồn kinh phí XHH, đã thực hiện hạ ngầm trên 18 tuyến phố và xây dựng kế hoạch thực hiện tiếp trên 50 tuyến trong năm 2017.
Đối với công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, các đơn vị đã thu gom và vận chuyển 100% rác tại các quận, không để rác tồn đọng qua ngày. Công tác vệ sinh môi trường trên các tuyến phố, khu dân cư được tăng cường. Thực hiện cơ giới hóa việc  quét hút, thu gom rác ngày tại các tuyến phố, trên các tuyến phố, đường trục chính, nơi công cộng, các điểm chờ xe buýt; Tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải bằng cơ giới hóa đạt 80% tại địa bàn các quận và khoảng 30% địa bàn các huyện. Xóa bỏ các điểm tập kết rác, điểm tập kết xe gom rác, cân rác gây ùn tắc giao thông. Vận chuyển rác theo giờ quy định. Không thu gom vào các giờ cao điểm: 7 – 9 giờ sáng và 16 – 19 giờ tối bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Bổ sung những thùng chứa rác, điểm tập kết, trạm trung chuyển, xóa bỏ chân rác gây ùn tắc giao thông. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tiến hành xử phạt đối với hành vi vi phạm vệ vệ sinh môi trường tại các quận; xây dựng các chế tài xử phạt vi phạm và có hình thức khen thưởng đối với những hoạt động bảo vệ môi trường, qua đó đã góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
Đổi mới công tác trang trí chiếu sáng, tập trung đầu mối giao cho Sở VH - TT; Thực hiện trang trí có chủ đề, đảm bảo tính mỹ thuật; Công tác duy trì hệ thống chiếu sáng được tăng cường, đường phố đã đẹp hơn, được người dân và khách tham quan ghi nhận; Triển khai thay thế thí điểm đèn chiếu sáng hiện có bằng đèn công nghệ LED hiện đại, tuổi thọ cao để tiết kiệm năng lượng, đảm bảo yêu cầu chiếu sáng và nâng cao mỹ quan đô thị. Đã xử lý ô nhiễm môi trường nước tại 120 hồ trên địa bàn TP và tiếp tục nhân rộng ra trong thời gian tới.
Tăng cường trồng bổ sung, trồng thay thế cây xanh; cắt tỉa cây xanh đảm bảo chiều cao đồng đều, hài hòa toàn tuyến, hình thái tán cân đối, phù hợp, thẩm mỹ. Cắt hạ, thay thế kịp thời các cây chết, cây sâu mục, cây nghiêng, cây nguy hiểm để an toàn trong mùa mưa bão. Hạn chế tối đa cây đổ so với các năm trước. Một nét mới trong năm 2016 là triển khai thực hiện Chương trình trồng 1 triệu cây xanh, nhằm tăng độ phủ xanh, đặc biệt cây xanh đô thị tạo cảnh quan đô thị, đồng thời cải thiện môi trường, giảm bụi, giảm tiếng ồn cho TP . Ngay trong năm đầu thực hiện, TP đã triển khai trồng được trên 200.000 cây, trong đó có cả sự đóng góp của các DN trong nước và nước ngoài với mong muốn chung tay xây dựng Thủ đô ngày càng xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.
Quyết liệt xóa nhà siêu mỏng, siêu méo
Quản lý trật tự xây dựng, quy hoạch, là một trong những yêu cầu được đặt ra trong “Năm trật tự và văn minh đô thị 2016”, xin ông cho biết, công tác này hiện được thực hiện ra sao?
- Thực hiện Chỉ thị 01, ngay từ những ngày đầu năm, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời, xử lý không để phát sinh các vi phạm về trật tự xây dựng, đặc biệt hạn chế và giảm hẳn những trường hợp vi phạm TTXD gây bức xúc, tập trung xử lý các điểm còn tồn tại. Tính từ thời điểm Chỉ thị 01 có hiệu lực đến tháng 9/2016, các lực lượng chức năng đã kiểm tra hơn 55.000 công trình, lập biên bản xử lý hơn 2.100 trường hợp. Việc xử lý các ô đất, các công trình "siêu mỏng, siêu méo” từ 542 trường hợp kiểm tra, đã giải quyết được 338 trường hợp, còn 214 trường hợp.
Với vai trò là đơn vị quản lý Nhà nước về xây dựng của TP, là cơ quan thường trực thực hiện Chỉ thị 01, Sở Xây dựng đã đôn đốc, hướng dẫn các quận, huyện, đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ xử lý các trường hợp siêu mỏng, siêu méo và thực hiện hợp thửa, hợp khối, thu hồi, cải tạo chỉnh trang đảm bảo cảnh quan kiến trúc đô thị hai bên các tuyến đường mới mở. Đến thời điểm này, việc giải quyết vấn đề này ở các quận, huyện đã bước đầu có chuyển biến tích cực và phải tiếp tục triển khai, đồng thời tăng cường công tác quản lý để không để phát sinh trường hợp mới, hoàn thành trong thời gian tới.
Giữa năm 2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 08 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”, cùng với đó UBND TP đã ban hành Kế hoạch 143/KH – UBND để thực hiện Chỉ thị này. Theo ông, điều này sẽ tác động như thế nào đến việc thực hiện Chỉ thị 01?
 - Trong những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và UBND TP, bộ mặt đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét. Đặc biệt là từ khi Chỉ thị 01 được ban hành, thực hiện và Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 08 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”, cùng với đó UBND TP đã ban hành Kế hoạch 143/KH – UBND để thực hiện Chỉ thị này thì bộ mặt đô thị của Thành phố đã có nhiều khởi sắc, đã có những thay đổi rõ nét. Có thể nói, việc Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 08 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”, Kế hoạch 143/KH – UBND của UBND TP về việc thực hiện Chỉ thị 08 sẽ giúp công tác quản lý trật tự đô thị được nâng lên một tầm cao mới. Hay nói cách khác, năm 2017 sẽ là thời điểm vàng để các đơn vị thực hiện hóa mục tiêu làm cho Thủ đô “sáng – xanh – sạch – đẹp” theo yêu cầu của TP.
Ưu tiên thực hiện 3 mục tiêu
Vậy với vai trò là cơ quan thường trực thực hiện Chỉ thị 01, Sở Xây dựng sẽ đặt ra những mục tiêu gì trong năm 2017?
- Từ những kết quả đã đạt được 3 năm qua, năm 2017, ngoài việc yêu cầu các lực lượng tăng cường kiểm tra, duy trì những kết quả đã đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế, Sở Xây dựng sẽ đề nghị Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội TP phối hợp tuyên truyền, vận động, quán triệt đến các tổ chức cơ sở, đến đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tiếp tục tham gia thực hiện các hoạt động triển khai “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Cùng với đó, Sở Xây dựng đề nghị các Sở QH - KT, GTVT, VH - TT, TN&MT và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm của “Năm trật tự và văn minh đô thị”: Đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường để TP sáng, xanh, sạch, đẹp; Đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đường thông, hè thoáng và Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ngày càng hiệu quả với tinh thần tự giác cao nhất. Ngoài ra, chúng tôi sẽ đề xuất báo cáo TP để chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách, kinh phí để tiếp tục thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần