Hiện tượng ''3 trong 1" hiếm có của trăng đêm nay (20/1): Châu Á thấy được gì?

Hương Thảo (Theo CNN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Siêu trăng, trăng sói và trăng máu sẽ cùng xuất hiện vào đêm nay, mở màn cho chuỗi sự kiện lạ của thiên văn trong năm 2019.

Nguyệt thực toàn phần cùng trăng máu xuất hiện vào tháng 4/2014. Ảnh: CNN 
Một siêu trăng sẽ xuất hiện khi mặt trăng thẳng hàng một cách hoàn hảo với mặt trời và trái đất, ở thế đối xứng với mặt trời qua trái đất. Đây là vị trí mà mặt trăng đầy và gần trái đất nhất trên quỹ đạo. Trái đất lúc đó sẽ tạo ra hai loại bóng trên mặt trăng: bóng tối một phần bên ngoài và bóng tối đầy đủ ở trung tâm.
Khi trăng tròn di chuyển vào bóng của Trái đất, nó sẽ tối dần nhưng không hoàn toàn biến mất. Ánh sáng mặt trời xuyên qua bầu khí quyển của Trái đất sẽ thắp sáng mặt trăng một cách ấn tượng và biến nó thành màu đỏ. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết tại khu vực nơi chúng ta quan sát mà mặt trăng có thể có màu gỉ, màu gạch hay màu đỏ máu - trăng máu.
Điều này sâu xa là bởi ánh sáng xanh trải qua sự tán xạ khí quyển mạnh hơn, vì vậy ánh sáng đỏ sẽ là màu chủ đạo nhất được làm nổi bật khi ánh sáng mặt trời xuyên qua bầu khí quyển của chúng ta và chiếu lên mặt trăng. Vậy còn trăng sói là gì?
Mỗi kỳ trăng tròn đầy đều có tên riêng và vào tháng 1, nó được gọi là "mặt trăng sói" - lấy cảm hứng từ hình ảnh những con sói đói hú lên bên ngoài các ngôi làng từ xa xưa. Điều này được ghi chép trong "Old Farmer's Almanac" - ấn phẩm niên giám định kỳ được xuất bản từ lâu đời nhất tại Mỹ.
Theo nhà nghiên cứu vật lý Walter Freeman, người xem đêm nay vẫn thấy trăng tròn thông thường cho đến khoảng 22h35 theo giờ Đông phương - thời điểm mặt trăng sẽ trông như bị "nuốt chửng" từ phía dưới bên trái. Tới khoảng 23h40, bóng của Trái đất sẽ hoàn toàn bao phủ toàn bộ bề mặt của mặt trăng, khởi đầu cho sự kiện "3 trong 1" hiếm hoi đêm nay. Nó sẽ kéo dài đến khoảng 00h40 sáng 21/1, và vào lúc 1h45 thì mặt trăng sẽ được "trả về" nguyên vẹn.
Hầu hết mọi nơi trên thế giới đều có thể chứng kiến sự kiện lần này, tuy nhiên Bắc và Nam Mỹ, Châu Âu và Tây Phi sẽ thấy nguyệt thực toàn phần, trong khi phía đông châu Phi và châu Á sẽ chỉ quan sát được một phần.
Chính xác hơn, Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh cho biết người xem ở tây bắc nước Pháp, tây bắc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, phía đông Thái Bình Dương và mũi phía đông bắc của Nga sẽ thấy nhật thực toàn phần. Và tại Mỹ, đây sẽ là lần nguyệt thực toàn phần cuối cùng có thể nhìn thấy ở nước này cho đến năm 2022.