Hiệp định CPTPP: Sức ép cạnh tranh là động lực phát triển

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 14/1/2019, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam. Cánh cửa hội nhập đã rộng mở nhưng không ít DN vẫn còn lúng túng khi tham gia sân chơi mới này.

Sản xuất các linh, phụ kiện điện tử tại Công ty TNHH SYNOFEX Việt Nam, Khu Công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam
Ưu đãi “khủng” về thuế
CPTPP với 11 nước thành viên, chiếm 13,4% tổng giá trị GDP toàn cầu sẽ trở thành khối liên kết kinh tế lớn thứ 3 trên toàn cầu, chỉ sau Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Liên minh châu Âu (EU). Xét về góc độ cam kết, CPTPP được các chuyên gia đánh giá là hiệp định hợp tác tiến xa nhất và toàn diện nhất ở thời điểm hiện nay.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, ký kết CPTPP là bước tiến mới của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Quan trọng hơn, hiệp định này giúp Việt Nam đa phương hóa các quan hệ kinh tế, thương mại, tránh được những rủi ro do phụ thuộc vào một vài thị trường lớn.
“DN cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. Đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan đối với những mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Chỉ khi DN đáp ứng được các điều kiện đã cam kết thì những ưu đãi thuế quan mới phát huy được hiệu quả thúc đẩy xuất khẩu, góp phần tăng trưởng kinh tế cho đất nước”.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công Thương Ngô Chung Khanh
Tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ được các nước xóa bỏ thuế quan ngay cho khoảng 78 - 95% số dòng thuế, với hàng hóa thông thường, lộ trình xóa bỏ thuế là 5 -10 năm, đến cuối lộ trình giảm thuế, sẽ xóa bỏ đến 98 - 100% số dòng thuế. Ngược lại, Việt Nam loại bỏ ngay 65,8% số dòng thuế, đến năm thứ 11 sẽ xóa bỏ 97,8% cho các đối tác. Như vậy, CPTPP có hiệu lực sẽ mở ra cánh cửa xuất khẩu cho nhiều mặt hàng của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản… sang các thị trường mới như Canada, Mexico, Peru.
Đơn cử như ngành gỗ, các sản phẩm như ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa và nhất là đồ nội thất có thuế nhập khẩu dao động từ 6 - 9,5% sẽ được xóa bỏ. Hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ cũng sẽ được hưởng lợi khi Canada đồng ý xóa bỏ mức thuế nhập khẩu từ 7% về 0%.
Với ngành dệt may, mức thuế xuất khẩu hàng dệt may tới các thị trường trong CPTPP là 0% nếu các sản phẩm Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chung. Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm dệt may Việt Nam sẽ được củng cố lợi thế cạnh tranh về giá.
Thách thức không nhỏ
Không phủ nhận cơ hội mà CPTPP mở ra cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, song để gia tăng kim ngạch, giá trị xuất khẩu phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tận dụng ưu đãi của các DN. Phân tích về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh - Thành viên Ủy ban Chính sách phát triển của Liên Hợp quốc cho rằng, để được hưởng ưu đãi thuế trong các hiệp định thương mại, hàng hóa Việt Nam phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Bên cạnh đó, còn phải đối mặt với rất nhiều rào cản kỹ thuật, trong khi sức cạnh tranh của DN Việt còn yếu so với các đối tác.
Chẳng hạn như ngành dệt may, muốn được ưu đãi phải đáp ứng các tiêu chuẩn như yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi, nghĩa là từ công đoạn kéo sợi, dệt, nhuộm vải đều phải thực hiện trong khu vực CPTPP là thách thức không nhỏ vì Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu hơn 60% nguyên liệu.
Còn theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Công ty Thành Hưng Đoàn Thị Thu Hà: “Dù có được ưu đãi về thuế thì giá trị thật sự mà các DN da giày Việt Nam nhận được là không nhiều vì hầu hết DN Việt Nam đang gia công cho các thương hiệu nước ngoài. Trong khi các thị trường mới như Mexico, Canada lâu nay đã quen sử dụng các thương hiệu da giày đến từ quốc gia khác và chưa có nhiều thông tin về sản phẩm da giày của Việt Nam”.
Đưa ra các giải pháp tối ưu cho DN, nhiều chuyên gia khuyến nghị, DN cần xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cải thiện năng lực sản xuất để khai thác hiệu quả các ưu đãi về thuế quan. Bên cạnh đó, DN phải chủ động cải thiện năng lực quản lý, chuyển đổi phương thức sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đồng thời, DN phải nhanh chóng thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.