Hiệp định EVFTA: Cơ hội mở ra cho các làng nghề

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết mở ra cơ hội cho các làng nghề trong việc phát triển hàng thủ công mỹ nghệ mang tính truyền thống. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng sẽ song hành nhiều thách thức, đòi hỏi các DN phải đẩy mạnh liên kết, thay đổi quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa” - là nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần.

 Công nhân làm việc tại làng nghề gốm Chu Đậu, Hải Dương
Tiềm năng lớn
Thủ đô Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế; trên 2.300 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Đây chính là cơ sở tiềm năng lựa chọn sản phẩm để hoàn thiện, đánh giá phân hạng và dự thi sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đối với TP Hà Nội.
Giá trị sản xuất làng nghề hiện nay khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD, giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD/năm. “Hiệp định EVFTA rất có lợi cho các nhà sản xuất của Việt Nam nói chung và các làng nghề nói riêng, nhất là trong ngành nghề thủ công mỹ nghệ, dù rằng thuế xuất khẩu của mặt hàng này từ trước khi có Hiệp định vẫn ở mức 0%. Bởi lẽ, tác động của Hiệp định đối với các DN làng nghề không phải ở tác động đi mà là tác động lại. Đó là không gian thị trường, tiếp cận các nguồn lực về công nghệ, vốn cho sự phát triển” – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhận định.
Theo ông Lưu Duy Dần, cơ hội mở ra cho làng nghề là rất lớn, hiện EU có thu nhập bình quân đầu người rất cao, tiêu dùng tương đối đa dạng, phong phú. Đặc biệt, thị trường này có một trào lưu tiêu dùng đơn chiếc và tiêu dùng hàng handmade. Do đó, việc phát triển các sản phẩm mang tính chất truyền thống sẽ là thế mạnh của Việt Nam.
Mặt khác, khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, các sản phẩm làng nghề nói chung và sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói riêng đều nằm trong diện được miễn thuế ngay. Điều này giúp sản phẩm làng nghề đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường EU mà không có giới hạn về mặt thuế quan và định lượng.
Đây cũng sẽ bệ phóng giúp sản phẩm làng nghề của Hà Nội thâm nhập vào các thị trường khác. Mặt khác, EU có quá trình công nghiệp hóa với các làng nghề lâu dài, đây cũng là cơ sở để cho Việt Nam tiếp cận được công nghệ phù hợp với các làng nghề….
Trên thực tế, từ khi Hiệp định có hiệu lực kim ngạch xuất khẩu của DN sang thị trường EU năm nay cao hơn năm trước. Đa dạng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu vào thị trường EU, trong đó, trọng điểm là Pháp. Chỉ riêng trong quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu của DN đã bằng hơn một nửa của cả năm 2019.
Tận dụng cơ hội
Khi Hiệp định có hiệu lực sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho hàng thủ công mỹ nghệ của nước ta thâm nhập sâu rộng vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên, các DN xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của nước ta là DN nhỏ và vừa nên còn gặp rất nhiều hạn chế như liên kết lại lỏng lẻo, ít chú trọng đến khâu thiết kế nên chủ yếu chỉ là gia công, kinh doanh lại mang tính cá thể nhỏ lẻ, manh mún nên rất khó đáp ứng được các đơn hàng lớn.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, cần thiết phải nâng cao nhận thức, hiểu biết của các DN, làng nghề về các cam kết theo EVFTA để thực thi, áp dụng hiệu quả trong quá trình sản xuất, kinh doanh; tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, để khai thác hiệu quả thì thị trường châu Âu, tận dụng cơ hội về mở cửa thị trường mà EVFTA mang lại, các DN, làng nghề cần chủ động và tích cực hơn trong việc tìm hiểu quy định hàng rào kỹ thuật trong thương mại của châu Âu nhằm bảo đảm sản phẩm có thể vượt qua được những tiêu chuẩn đó để vào thị trường châu Âu. Đồng thời, DN cần không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Khi thị trường mở cửa, sẽ có sản phẩm làng nghề của EU vào Việt Nam với giá cả hợp lý và với chất lượng cao cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm làng nghề Việt. Trong khi sản phẩm làng nghề Hà Nội nói chung và Việt Nam nói riêng thiếu tính đồng loạt, đặc biệt là các sản phẩm handmande điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó trước đòi hỏi về những đơn hàng xuất khẩu lớn của khách hàng EU. Cách thức quản lý, công nghệ của các làng nghề Hà Nội hiện nay quá lạc hậu, để cạnh tranh được thì đây là bài toán rất khó.
Mặt khác, các sản phẩm làng nghề thường gắn với văn hóa của đất nước. Du khách châu Âu mong muốn mua sản phẩm mang dấu ấn văn hóa của quốc gia và nghiêng nhiều về văn hóa dân gian. Tuy nhiên, nhóm ngành hàng gỗ và thủ công mỹ nghệ của Hà Nội hiện nay mẫu mã vẫn còn đơn điệu, chứa yếu tố tâm linh đạo phật, điều này khiến sản phẩm rất khó tiếp cận người tiêu dùng EU.
Thực tế, dù có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế Thủ đô nhưng sự phát triển của các làng nghề nói chung và sản phẩm thủ công mỹ nghệ được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những hạn chế lớn nhất là khâu mẫu mã sản phẩm. Khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đối với ngành hàng thủ công mỹ nghệ là cần thiết.
Cho nên các DN, hộ sản xuất tại các làng nghề cần đặc biệt cần lưu tâm thương hiệu, chỉ dẫn địa lý mang tính chất địa điểm làng nghề. Khi đó, sẽ khẳng định được thương hiệu của Việt Nam khi tham gia xuất khẩu và bảo đảm được quyền lợi của nhà xuất khẩu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần