Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU: Sức ép phải thay đổi

Trâm Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhận định của TS Võ Trí Thành -Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, khi ông chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị về những khó khăn mà thách thức DN Việt Nam cần lưu ý khi thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Nhiều cơ hội, lắm thách thức
Việc ký kết hiệp định EVFTA có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện nay? Nó mang lại những lợi ích và thách thức gì cho các bên, thưa ông?
- Thị trường EU bao gồm 27 quốc gia với hơn 500 triệu dân, thu nhập người dân cao nhất thế giới, gần 40.000 USD. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU 41,7 tỷ USD, ngang bằng với kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Với việc xóa bỏ ngay lập tức 85,6% dòng thuế giữa Việt Nam với EU, các sản phẩm như dệt may, thủy hải sản, rau quả, đồ gỗ, hàng điện tử điện thoại và các sản phẩm đặc trưng vùng nhiệt đới của DN Việt sẽ có cơ hội thêm nhiều đơn hàng sang châu Âu, kéo các ngành khác như tài chính - ngân hàng, du lịch, vận chuyển hàng không… phát triển theo.
 

TS Võ Trí Thành
EU là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ tư của Việt Nam. Xuất khẩu của EU sang Việt Nam chủ yếu bao gồm máy móc, hóa chất và thiết bị vận tải, đều là những mặt hàng cần thiết cho sự chuyển đổi mô hình phát triển và hiện đại hóa của nền kinh tế Việt Nam. Điều này sẽ giúp các DN cải thiện năng suất lao động cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ cao, từ đó mở ra cơ hội tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
EVFTA được thực thi giúp Việt Nam có cơ hội đón dòng vốn và công nghệ hiện đại từ châu Âu. Thách thức cũng rất nhiều. Sau khi EVFTA có hiệu lực sớm nhất vào khoảng tháng 7/2020, DN muốn nhập khẩu nguyên liệu sản xuất từ EU trong khi chưa thay đổi quy định pháp luật liên quan thì chưa hưởng được lợi thế này.
Do thị trường EU hết sức khó tính nên DN muốn xuất khẩu hàng hóa sang EU để được hưởng thuế suất 0% phải mất nhiều thời gian mới đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm của thị trường này. Đặc biệt, tôi nhấn mạnh, hàng rào kỹ thuật, quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm… rất khắt khe nên các nhà kinh doanh xếp EU vào thị trường khó tính nhất thế giới. Bên cạnh đó, việc giảm thuế nhập khẩu đối với dược phẩm từ EU sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất dược phẩm trong nước.
Ông có thể phân tích cụ thể những mặt hàng Việt Nam hưởng lợi?
- Nông thủy sản là ngành có nhiều mặt hàng hưởng lợi ngay lập tức khi EVFTA có hiệu lực. Mặt hàng gạo từ VN phải chịu thuế nhập khẩu khá cao 5 - 45%. Thậm chí có một số nước trong khối EU áp mức thuế nhập khẩu với gạo VN lên tới 100% hoặc cao hơn. Khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất bằng 0%, nếu Việt Nam tận dụng tốt xuất khẩu được hết hạn ngạch 80.000 tấn gạo mà EU cấp thì kim ngạch xuất khẩu có thể tăng gấp 4 lần so với hiện nay. Quan trọng nhất là gạo Việt sẽ có giá cạnh tranh so với các đối thủ khác như Campuchia, Thái Lan.
Với thủy sản, EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam với giá trị xuất khẩu trong năm 2018 đạt 1,44 tỷ USD, tăng 1%; khoảng 90% số dòng thuế đối với các sản phẩm thủy sản của Việt Nam sẽ giảm xuống 0% trong vòng 3 - 4 năm từ mức thuế suất khẩu trung bình hiện nay là 14%. Điện thoại, máy tính và các sản phẩm điện tử, đây là nhóm sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang EU
. Việc giảm thuế sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm điện tử xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy xu hướng di chuyển các nhà máy sản xuất từ nơi khác sang Việt Nam để tận dụng lợi thế về thuế quan theo một số hiệp định FTA, bao gồm EVFTA.
Ông nhấn mạnh đến hàng rào kỹ thuật, phải chăng đây là điều lo lắng nhất?
- Một nhược điểm của xuất khẩu nông sản Việt Nam tồn tại nhiều năm là tình trạng tranh mua, tranh bán, phá giá. Vì vậy rất cần vai trò của hiệp hội, cơ quan quản lý ngành hàng. Bằng chứng là thủy sản Việt Nam đang bị EU phạt “thẻ vàng”, đồng nghĩa mặt hàng này nhập vào EU bị kiểm tra gần 100% từng lô hàng.
Nếu không khắc phục được các yêu cầu liên quan đến tàu đánh bắt bất hợp pháp, truy xuất nguồn gốc, quản lý nguyên liệu thủy sản nhập khẩu… thì có thể sẽ bị EU phạt “thẻ đỏ”, đồng nghĩa hết đường xuất sang thị trường này. Tôi muốn nhấn mạnh hơn nữa nguy cơ sức ép phải thay đổi nếu không chúng ta phải trả giá.
Tôi thấy lo lắng về nguồn gốc xuất xứ… Hiện tại, các hàng rào kỹ thuật đã công bố công khai. DN nếu muốn thâm nhập thị trường đều biết mình phải làm gì, tuân thủ các điều kiện gì, chi phí ra sao. Điều cần thiết là phải nghiên cứu kỹ. Việt Nam đã có những quy định cụ thể về tiền lương tối thiểu, thời gian làm việc, an toàn vệ sinh lao động, lao động trẻ em, bảo vệ môi trường… phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng thực tế, một số DN chưa tuân thủ nghiêm. Khi đó, có thể dẫn tới rủi ro là cả ngành sản xuất sẽ không được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi từ vi phạm của số ít DN
Hiệp định này là các văn bản có tính pháp lý cao cho nền gắn với trách nhiệm minh bạch, xử lý tranh chấp. Với một thị trường đòi hỏi rất cao buộc chúng ta phải chuyên nghiệp, rõ ràng hơn, cạnh tranh bình đẳng hơn.
Thay đổi để nắm bắt cơ hội
Ông đánh giá sao về những biện pháp cải thiện kinh doanh và sự chuẩn bị mà Chính phủ và các bộ, ngành thực hiện thời gian qua?
- Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hơn, đó là chưa minh bạch về thuế, phí, thủ tục đầu tư - kinh doanh rườm rà, pháp luật có nhưng thiếu minh bạch và dễ thay đổi, khiến DN khó tiên liệu…
Chính phủ hay nói nhiều phổ biến thông tin đào tạo là vô cùng cần. Nhưng tôi nghĩ 3 điểm mà Chính phủ cần đặc biệt phải quan tâm, bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phù hợp với cam kết. Thứ nhất là tác động lên toàn bộ nền kinh tế bao trùm tất cả đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nên đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các bộ ngành, địa phương.
Thứ hai, bối cảnh thay đổi nhiều, dù đây là Hiệp định rất cao như EVFTA, CPTPP, bao quát tất cả các vấn đề, đặc biệt là những vấn đề mới như dịch chuyển dữ liệu chuyển đổi số trong cách mạng công nghiệp 4.0. Không chỉ là thực thi đúng cam kết mà suy nghĩ phải vượt lên cho đáp ứng xu thế mới để bảo đảm cho Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.
Thứ ba (rất quan trọng), cùng với cải cách thể chế, ứng xử không chỉ tạo ra môi trường kinh doanh mà ứng xử thân thiện, nó hỗ trợ DN vì chúng ta biết rồi DNVVN chi phí giao dịch trong kinh doanh cực cao. Đối với DN để thực hiện được cam kết họ phải tuân thủ rất nhiều, đặc biệt là chi phí tuân thủ của Việt Nam cao làm sao giảm được (chi phí chuyển đổi, chi phí thực thi để hiện thực hóa cơ hội).
Nghiên cứu của chúng tôi tác động lớn nhất chưa hẳn đã là tiếp cận thị trường mà là môi trường kinh doanh, cách ứng xử để giảm thiểu chi phí ấy. Đây là trọng điểm rất mấu chốt để DN Việt lớn dần lên được. Ngay tại thời điểm này, các bộ, ngành có thể soạn thảo, triển khai các văn bản pháp luật phù hợp, hướng dẫn cho DN thấy đâu là lợi thế có được từ EVFTA.
Ưu tiên những dự án phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, cải cách hành chính để đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu cũng như cải thiện khung pháp lý. Phải có chương trình hành động cụ thể. Vừa qua là CPTPP, sắp tới là EVFTA, phải lồng ghép chương trình hành động chứ không thể mỗi một FTA lại đưa ra. Không chỉ ở cấp Chính phủ, bộ ngành mà phải có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các bộ ngành, địa phương.
Về phía DN Việt Nam, cần chuẩn bị gì để nắm bắt cơ hội mới, thưa ông?
- Đối với DN có 3 điểm quan trọng nhất. Một là làm sao họ tận dụng được cơ hội dựa trên những yếu tố lợi thế cùng với thực thi đầy đủ các cam kết; đáp ứng những nguyên tắc như xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, đòi hỏi mới như tiêu chuẩn lao động, môi trường; kết nối phân phối, hiểu biết thị trường. DN cần có kế hoạch đầu tư dài hơi về công nghệ, sản xuất theo quy mô lớn, bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ…
Thứ hai, phải tìm, phải hiểu về các cam kết, thách thức, cơ hội liên quan đến ngành và lĩnh vực của mình để định vị lại mình và phải hành động ngay, phải tái cấu trúc các thị trường, bạn hàng, nguồn cung ứng... để tận dụng các cơ hội mà các cam kết mở ra. DN cần nâng cao kiến thức và tích hợp các tiêu chuẩn quốc tế vào sản phẩm và dịch vụ của mình.
Nên tìm kiếm thông tin về các quy tắc xuất xứ ưu đãi và các chứng từ yêu cầu thông quan ở mỗi quốc gia. Bản thân nỗ lực của DN và hỗ trợ của Chính phủ là rất quan trọng. Thứ ba, chúng ta biết rằng phải nắm bắt được công nghệ lan tỏa kỹ năng học hỏi thông lệ tốt nhất. Vấn đề nó là kết nối, làm sao những DN vừa phải chủ động nhưng Chính phủ là người dẫn đường quan trọng trong kết nối đó, kết nối với thị trường, với đối tác và kết nối thông tin.
Ông có thể dự báo con số mà EVFTA sẽ mang lại tăng trưởng và xuất khẩu như thế nào?
- Giữa lúc thương chiến diễn ra ở mức độ toàn cầu, đại dịch Covid - 19 đang lan rộng, thách thức tính bền vững của các chuỗi giá trị toàn cầu, mà nền kinh tế Việt Nam là một mắt xích, việc EVFTA được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn, lại mở ra một cơ hội vàng thúc đẩy sự chuyển dịch các chuỗi giá trị này.
EVFTA là bệ phóng đưa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể tăng lượng xuất khẩu vào EU thêm 15 tỷ eur, DN phải cố gắng rất nhiều, nhất là trong bối cảnh chúng ta gặp khó với thị trường khác thì EU là hy vọng lớn. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 - 3,25% (trong giai đoạn 2019 -2023); từ 4,57 - 5,30% (giai đoạn 2024-2028) và từ 7,07 - 7,72% (giai đoạn 2029 - 2033). Hy vọng EVFTA, CPTPP sẽ luôn là những động cơ quan trọng cho tiến trình cải cách và phát triển của Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!

"Ngay tại thời điểm này, các bộ, ngành có thể soạn thảo, triển khai các văn bản pháp luật phù hợp, hướng dẫn cho DN thấy đâu là lợi thế có được từ EVFTA. Ưu tiên những dự án phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, cải cách hành chính để đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu cũng như cải thiện khung pháp lý. Phải có chương trình hành động cụ thể." - TS Võ Trí Thành