Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị dừng hoạt động kiểu Grab, Uber

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa kiến nghị các cơ quan chức năng dừng khẩn cấp thí điểm xe ứng dụng công nghệ hoạt động kiểu như Grab, Uber.

Hiệp hội taxi Hà Nội vừa có văn bản gửi các bộ ngành báo cáo về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, kiểu như Grab, Uber.
 
Hiệp hội kiến nghị cho dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm trong tháng 9/2017, đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá các hệ lụy của kế hoạch thí điểm được cho là đang gây ra nhiều bất an cho xã hội.
Theo kiến nghị, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cần ban hành văn bản để các địa phương dừng cấp phù hiệu các xe tham gia thí điểm, không phải việc dừng mở rộng các doanh nghiệp tham gia thí điểm. Cần phải thống nhất về bản chất và tên gọi của loại hình dịch vụ Grab, Uber tại Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, bản chất của Uber, Grab là kinh doanh dịch vụ phần mềm tham gia hoạt động vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện (xe dưới 9 chỗ hoạt động như taxi).
Uber, Grab phải thành lập công ty tại Việt Nam, có giấy phép cung cấp dịch vụ hoạt động vận tải và tuân thủ các điều kiện kinh doanh vận tải tại Việt Nam.
Hiệp hội này cũng kiến nghị việc quản lý đối với xe kinh doanh vận tải hành khách đến 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ thông tin như taxi về số lượng, chất lượng, phạm vi hoạt động và đưa vào trong quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi tại Hà Nội đến năm 2030.
Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng việc không giới hạn số lượng xe của đề án đã làm cho số xe hoạt động như taxi tăng vọt, ùn tắc giao thông là điều khó tránh khỏi.
Tại Hà Nội hiện có 19.265 taxi và khoảng 25.000 xe hợp đồng hoạt động như taixi. Trong khi đề án quy hoạch đến năm 2020 mới là 25.000 xe và 2030 là 30.000 xe.
Ngoài những phần trên, Hiệp hội taxi Hà Nội còn tố Uber, Grab vi phạm pháp luật, hoạt động trái phép, gây bất bình đẳng ở sân bay, làm thất thu ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, Hiệp hội này cũng đưa ra con số ước tính gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước do hoạt động của loại hình Uber, Grab.
Với tổng số hơn 50.000 xe, doanh thu 30 triệu đồng/xe/tháng, tổng doanh thu là 1.500 tỷ đồng/tháng. Với mức thuế 4,5% phải thì tổng số thuế phải nộp hàng tháng là 67,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thuế, Uber mới chỉ nộp 10 tỷ đồng vào ngân sách từ khi hoạt động.
Trong khi đó, với 20% doanh thu Uber, Grab được hưởng thì mỗi năm dòng tiền trong nước chảy ra nước ngoài khoảng 3.600 tỷ đồng, nghĩa là mỗi ngày Uber, Grab chuyển ra nước ngoài 10 tỷ đồng.
Được biết, tại TP.HCM, Sở GTVT cũng vừa đề xuất các giải pháp quản lý loại hình kinh doanh xe hợp đồng điện tử lên UBND TP.HCM, trong đó có đề nghị Uber, Grab tạm ngưng kết nối thêm xe mới.
Việc hạn chế kết nối xe mới được lý giải nhằm ổn định tình hình vận tải trên địa bàn trong thời gian chờ Bộ GTVT tổng kết 2 năm thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (taxi mới) từ tháng 1/2016.