Hiệp ước về bầu trời mở: Ngầm báo hiệu

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước về bầu trời mở (Open Sky Treaty), việc Nga không còn tham gia hiệp ước này nữa là không thể tránh khỏi. Hiệp ước được tất cả 34 quốc gia trên thế giới tham gia, trong đó có gần như tất cả các nước thành viên NATO. Nhưng chỉ có Mỹ và Nga mới đóng vai trò quyết định nhất đối với sự tồn tại và hiệu lực trên thực tế của Hiệp ước.

 Ảnh minh họa
Hiệp ước quy định các bên tham gia chia sẻ thông tin tình báo và trinh sát có được từ các chuyến bay trên lãnh thổ của nhau và không làm việc ấy với những đối tác không tham gia Hiệp ước. Nhưng giữa Mỹ và các đồng minh quân sự chiến lược truyền thống trong NATO lại có thoả thuận riêng về hợp tác quân sự, tình báo và quốc phòng. Mỹ và NATO lại vẫn coi Nga là địch thủ, cho dù giữa hai bên đã có được một số khuôn khổ quan hệ hợp tác nhất định. Bởi vậy, không có gì là khó hiểu khi Nga bị bất lợi và rủi ro nhiều từ việc Mỹ không còn tham gia Hiệp ước về bầu trời mở. Một khi bị không những chỉ lợi bất cập hại mà còn gặp rủi ro an ninh lớn thì Nga buộc phải rút khỏi Hiệp ước này.
Mỹ rút khỏi hiệp ước từ năm ngoái nhưng giờ Nga mới có hành động tương tự, cụ thể là chỉ vài ngày trước khi tân tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức nhậm chức. Lời giải thích chỉ có thể là phía Nga thể hiện phản ứng về một quyết sách mà người tiền nhiệm của ông Biden đưa ra nhưng lại nhằm để phát đi thông điệp gửi tới ông Biden. Xem ra, phía Nga đã xác định là trong thời mới ở Mỹ, mối quan hệ giữa Nga và Mỹ sẽ phức tạp hơn và ít khả năng được cải thiện. Phía Nga muốn ngầm báo hiệu cho ông Biden biết là Nga đã sẵn sàng chuẩn bị cho mọi chiều hướng diễn biến của mối quan hệ song phương này trong thời kỳ mới ở Mỹ. Mối quan hệ song phương này xấu thêm đi thì quá trình kiểm soát vũ trang và giải trừ quân bị trên thế giới cũng không thể tiến triển và quan hệ giữa Nga với NATO và EU ở châu Âu cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.