Hiểu luật để người lao động tự bảo vệ mình

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều thắc mắc, băn khoăn của người lao động (NLĐ) đã được giải đáp tại buổi Giao lưu trực tuyến "Những điểm mới của Bộ luật Hình sự liên quan đến người lao động" do báo Lao động Thủ đô và Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất (KCNCX) tổ chức ngày 20/6, tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, KCN Thăng Long. Từ đó, giúp NLĐ hiểu rõ hơn về pháp luật và có thêm kiến thức để tự bảo vệ mình tốt hơn.

Công nhân, người lao động sôi nổi tham gia buổi giao lưu. Ảnh: Mai Quý
Người lao động cần hiểu để thực hiện đúng luật

Gần 200 CNLĐ đang làm việc tại KCN Thăng Long đã tham dự buổi tọa đàm. Đây là dịp cung cấp thông tin, cập nhật văn bản pháp luật, giải đáp thắc mắc về những điểm mới nhất của các điều luật mới ban hành có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của NLĐ, giúp NLĐ, đoàn viên công đoàn trong các KCNCX Hà Nội nhận thức và hiểu rõ các điều luật và tầm quan trọng của việc sống và làm việc theo pháp luật.

Nhìn một cách tổng quát, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, có nhiều nội dung mới hình sự, vấn đề tội phạm và hình phạt. Vì thế, CNLĐ cần hiểu rõ nội dung của BLHS 2015, nhằm thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tránh các hành vi vô tình hoặc cố ý vi phạm các chế định trong luật.

Tại buổi Tọa đàm, nhiều câu hỏi của CNLĐ liên quan đến quyền lợi của NLĐ và các điểm mới về BLHS liên quan đến NLĐ được các chuyên gia giải đáp. Về việc gây rối trật tự tại công ty, nhà xưởng được quy định như thế nào theo BLHS 2015, Luật sư Nguyễn Văn Hà (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Nếu NLĐ tham gia gây rối trật tự theo sự xúi giục một tổ chức nào đó thì nhà nước sẽ xử lý hình sự đối với từng cá nhân, đối tượng tham gia. Do đó, NLĐ cần tỉnh táo, không nghe theo sự xúi giục của các tổ chức, đối tượng xấu.

Theo quy định tại Điều 318 BLHS 2015, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm.
Công nhân, người lao động tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: Mai Quý

Chỉ rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động

Về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), LS Nguyễn Văn Hà cho biết, nếu đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì thời hạn báo trước là 45 ngày đối với HĐLĐ không thời hạn và 30 ngày đối với HĐLĐ có thời hạn. Nếu bị kỷ luật sa thải thì không cần báo trước mà chỉ cần căn cứ vào trình tự của quá trình kỷ luật.

Về băn khoăn của CNLĐ về thông tin nếu chủ DN không đóng BHXH cho NLĐ có thể bị phạt tù đến 7 năm, LS Nguyễn Văn Hà giải đáp, theo Điều 216 BLHS năm 2015, người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp: Trốn đóng bảo hiểm từ 50 đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng bảo hiểm từ 10 đến dưới 50 NLĐ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Luật cũng quy định nhiều khung hình phạt, tuy nhiên với trường hợp trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên hoặc không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ thì sẽ bị xem xét phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.