Hiệu quả chưa tương xứng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã được đầu tư hơn 200 tỷ đồng trong ba năm qua, song hiệu quả thu được từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn TP vẫn chưa tương xứng. Không ít lao động sau đào tạo còn yếu về tay nghề và không tìm được việc làm phù hợp.

Chưa đáp ứng nhu cầu

Từ tháng 3 - 7/2013, anh Nguyễn Đình Kiểm, thôn Vân Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức được tham gia lớp dạy nghề trồng nấm do Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức. Sau khóa học, anh đã mạnh dạn mở xưởng trồng nấm tại gia đình, bước đầu cho thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng, giảm bớt khó khăn cho gia đình sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất của gia đình anh còn gặp nhiều hạn chế do vốn ít, mặt bằng chật hẹp... Theo UBND huyện Hoài Đức, từ năm 2005 đến nay, toàn huyện có hơn 1.400ha đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ xây dựng các công trình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Trong đó có 16.000 hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp. Ba năm qua (2011 - 2013), toàn huyện đã tổ chức được 70 lớp đào tạo trình độ sơ cấp cho 2.081 LĐNT. Tuy nhiên, một số học viên chưa thuần thục tay nghề nên chưa kiếm sống được bằng nghề đã học.
Lớp dạy nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn tại xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ.Ảnh: Quang Thiện
Lớp dạy nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn tại xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ.Ảnh: Quang Thiện
Năm 2013, toàn TP đã triển khai dạy nghề được 1.280 lớp cho 44.006 người, tập trung vào 2 nhóm nghề nông nghiệp (chiếm 48%) và phi nông nghiệp (chiếm 52%). Về hiệu quả dạy nghề, tính đến tháng 11/2013 đã có 21.752 người có việc làm sau đào tạo. Mặc dù vậy, theo ông Lê Tuấn Hữu - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội, hoạt động của Ban Chỉ đạo 1956 của một số huyện, thị xã chưa thường xuyên. Hiện nay TP vẫn còn 11/20 quận, huyện, thị xã chưa bố trí được cán bộ chuyên trách về lĩnh vực này.
Kế hoạch 2014, toàn TP dạy nghề cho 38.551 LĐNT, trong đó đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng cho 37.926 người. Nghề nông nghiệp 18.891 người, nghề phi nông nghiệp 19.035 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 80%.
Đặc biệt, khả năng tạo thêm việc làm cho LĐNT sau khi học nghề chưa nhiều, tính bền vững của công việc chưa cao. Điều băn khoăn nữa là các nghề được dạy chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu học nghề đa dạng của LĐNT. Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thị Bài chia sẻ, việc bố trí vốn cho chương trình dạy nghề được TP quan tâm hàng đầu nhưng hiệu quả thực hiện chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư. Hơn nữa, hiện nay có nhiều đơn vị tham gia hoạt động dạy nghề như khuyến công do Sở Công Thương tổ chức, khuyến nông của Sở NN&PTNT và dạy nghề cho LĐNT do Sở LĐTB&XH chủ trì thực hiện. Điều này dẫn tới sự chồng chéo, lãng phí nguồn lực.

Đào tạo sát với thực tiễn

Theo kết quả điều tra tại 18 huyện, quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây có 131.185 người có nhu cầu học nghề, trong đó, nhu cầu học nghề nông nghiệp chiếm 3%, công nghiệp và xây dựng chiếm 78,5%, dịch vụ chiếm 14,5%, tiểu thủ công nghiệp chiếm 4%. Theo ông Ngô Đại Ngọc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay nghề nông nghiệp lại có liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác như công nghệ sinh học, cơ giới hóa... Chính vì vậy, việc triển khai đào tạo nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ rất quan trọng.

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nội dung, ý nghĩa của chương trình này. Đồng thời, tích cực tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn vay cho LĐNT sau học nghề phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, cần rà soát, điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề và nhu cầu sử dụng lao động tại địa phương để có kế hoạch thực hiện phù hợp.

Tại buổi giám sát chương trình đào tạo nghề cho LĐNT tại Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đã lưu ý, Hà Nội có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Do đó, thời gian tới, TP cần tập trung đào tạo cho người dân chuyển hướng sang lĩnh vực chọn tạo giống, ứng dụng công nghệ cao... Việc đào tạo nghề cũng cần gắn với định hướng, thế mạnh của địa phương, các mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần