Hiệu quả không chỉ là lợi nhuận

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đi đôi với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách, TP Hà Nội đã dành...

Kinhtedothi - Đi đôi với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách, TP Hà Nội đã dành kinh phí hàng ngàn tỷ đồng giúp các đối tượng chính sách vay vốn phát triển kinh tế, đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn… Nhờ vậy, chất lượng cuộc sống của Nhân dân từng bước được nâng cao.

Trên 115.000 hộ được tiếp cận vốn chính sách

Năm 2015, tổng nguồn vốn huy động và quản lý tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Hà Nội ước đạt 5.180 tỷ đồng, tăng 443 tỷ đồng (9,3%) so với năm 2014. Doanh số cho vay năm 2015 ước đạt 2.340 tỷ đồng, bằng 107,6% so với năm 2014. Trong năm 2015, NHCSXH đã thực hiện cho vay được trên 115.000 lượt hộ, trong đó: 10.000 lượt hộ nghèo; 30.000 lượt hộ cận nghèo; 36.000 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm; 32.000 lượt hộ vay vốn nước sách VSMT; khoảng 1.200 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn... góp phần thực hiện tốt các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn TP.

“Chìa khóa” thoát nghèo
Bằng nhiều giải pháp, trọng tâm là bố trí nguồn lực tài chính, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc bố trí ngân sách cho ủy thác qua NHCSXH TP và các đơn vị khác nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Giai đoạn 2016 – 2020, TP tăng cường thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo toàn diện hơn, khuyến khích hộ nghèo tự lực thoát nghèo, vươn lên khá, giàu.

Là một trong 26 xã thuộc huyện Phú Xuyên được TP phê duyệt làm điểm nông thôn mới, 5 năm qua, giảm nghèo được xem là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của tập thể cán bộ xã Đại Thắng. Với rất nhiều giải pháp giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo của xã được giảm dần qua từng năm. “Lúc mới thực hiện, xã chỉ đạt 1/9 tiêu chí, đến tháng 3/2015, xã đã được TP công nhận tiêu chuẩn nông thôn mới, đạt 19/19 tiêu chí” - ông Phạm Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Đại Thắng chia sẻ. Theo đó, nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ NHCSXH, sau thành công của công tác dồn điền đổi thửa, xã tiếp tục triển khai các mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp góp phần làm giảm chi phí, tăng năng suất, thu nhập cho người nông dân.

Gia đình ông bà Phạm Văn Thắng - Trần Thị Luyện ở thôn Tạ Xá, xã Đại Thắng được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ năm 2010. Nhờ có đồng vốn vay và chịu khó lao động, lại được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đến năm 2013, gia đình ông bà đã vươn lên thoát nghèo, thu nhập bình quân hàng năm hiện đạt từ 70 - 100 triệu/năm. Ngoài phát triển mô hình VAC, gia đình còn được vay vốn theo chương trình hỗ trợ sinh viên, cả 3 người con đều học đại học, đến nay 2 người đã ra trường có việc làm.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình ông bà Phạm Văn Thắng -  Trần Thị Luyện (thôn Tạ Xá, xã Đại Thắng) đã vươn lên thoát nghèo. 	Ảnh: Nguyên Anh
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình ông bà Phạm Văn Thắng - Trần Thị Luyện (thôn Tạ Xá, xã Đại Thắng) đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Nguyên Anh
Với nhiều nguồn vốn đến với người nghèo, NHCSXH được xem như là người bạn “đồng hành” cùng người nghèo. Ngoài đối với những hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, NH còn tạo điều kiện cho vay để chuyển đổi mô hình làm ăn. Bà Nguyễn Thị Lựu - kinh doanh tạp hóa ở xã Quỳnh Đô, huyện Thanh Trì kể, những năm trước, kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Sau khi được NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng, bà mở thêm tiệm tạp hóa kinh doanh. Đến nay, thu nhập của gia đình đã khấm khá, riêng thu nhập từ bán tạp hóa thời điểm cuối năm cũng đạt 10 triệu đồng/tháng, đã xây dựng được nhà kiên cố, mua sắm được trang thiết bị, vận dụng cho sinh hoạt và sản xuất, có tiền đầu tư vốn cho con cái làm ăn phát triển kinh tế. Được biết, chợ Quỳnh Đô có hơn 300 hộ kinh doanh thì có đến hơn một nửa được vay vốn hỗ trợ, nhờ đó thu nhập của người dân đã khá lên.

Bà Vũ Thị Nhiễu - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Hà Nội huyện Thanh Trì cho biết: Tính đến 31/12/2015, tổng nguồn vốn cho vay đạt gần 82 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch. Trong số này, chương trình tín dụng nước sạch và VSMT nông thôn là lớn nhất: Từ hiệu quả của 17,6 tỷ đồng tín dụng, người dân huyện Thanh Trì giờ đây không chỉ được nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường mà còn giúp 1.471 hộ cải tạo và xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch đạt chuẩn, đảm bảo sức khỏe và cải thiện VSMT nông thôn.