Hiệu quả tích cực từ các cuộc thi tìm hiểu pháp luật ở Hà Nội

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do TP Hà Nội tổ chức đã tạo được sức lan tỏa lớn, động viên mọi tầng lớp Nhân dân tích cực tìm hiểu, chấp hành pháp luật và đưa pháp luật vào cuộc sống.

Giải Nhất cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng” bằng hình thức xây dựng video.
Mới đây, tại tọa đàm “Chương trình chung tay xóa nghèo pháp luật, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác PBGDPL” diễn ra tại Hà Nội do Bộ Tư pháp phối hợp với báo Pháp luật Việt Nam tổ chức, Trưởng phòng PBGDPL (Sở Tư pháp Hà Nội) Vũ Thị Thanh Tú cho biết, thi tìm hiểu pháp luật là một trong những thế mạnh của Thủ đô trong nhiều năm qua, thu hút đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh và Nhân dân trên địa bàn Hà Nội tham gia như thi viết trên giấy, thi viết trên mạng, thi sân khấu hóa, thi trực tuyến. Trong đó, cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013” tổ chức năm 2014, 2015, thu hút 390.984 người tham gia; Cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Dân sự năm 2015” tổ chức năm 2017 đã thu hút 420.316 người tham gia; Cuộc thi tìm hiểu Bộ luật Hình sự trên địa bàn TP Hà Nội tổ chức năm 2018 với 924.783 lượt người; Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến" năm 2019 với 867.000 lượt người tham gia; Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử gắn với việc bảo vệ môi trường” diễn ra từ ngày 1/8/2020, kết thúc vào ngày 10/10/2020 có số lượng lớn người tham gia. 
Đặc biệt trong năm 2020, Hà Nội lần đầu tiên tổ chức cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng” bằng hình thức xây dựng video. Đối tượng tham gia là báo cáo viên pháp luật cấp TP, báo cáo viên cấp huyện, tuyên truyền viên cấp xã. Hình thức dự thi là gửi video, báo cáo viên pháp luật là video bài giảng, tuyên truyền pháp luật là video hùng biện. Nội dung cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, được chia thành các chủ đề khác nhau như: Trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng; Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng; Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng... Cuộc thi đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật phòng, chống tham nhũng vừa sâu, rộng theo từng chủ đề, làm nổi bật nội dung mới của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Đồng thời, tạo thành một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, một cuộc vận động lớn trong phong trào tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, người lao động, học sinh, sinh viên và đông đảo Nhân dân Thủ đô. Kết quả bài thi và kết quả thi của các đơn vị thể hiện được công khai, minh bạch, khách quan; nhiều video trở thành sản phẩm truyền thông rộng rãi trên phương tiện truyền thanh, truyền hình, phù hợp với xu thế hiện đại.

“Việc tổ chức thi theo hình thức xây dựng video ít tốn kém, đảm bảo tuân thủ các biện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Hà Nội (không tập trung đông người như cuộc thi sân khấu hóa). Đồng thời, góp phần nâng cao, rèn luyện kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo từng chuyên đề chuyên sâu, rèn luyện kỹ năng thuyết trình, kỹ năng báo cáo viên, cách xây dựng sản phẩm truyền thông rộng rãi. Việc tổ chức cuộc thi mở ra một hướng mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu để tham dự cuộc thi đã giúp cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên và Nhân dân nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về công tác phòng, chống tham nhũng. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ và Nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL” - bà Vũ Thị Thanh Tú nhận xét.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần