Hiệu quả từ cụ thể hóa mục tiêu giảm nghèo

Bài, ảnh: Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ triển khai nhiều giải pháp cụ thể và thiết thực, tỷ lệ hộ nghèo xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai) đã giảm từ 2,7% đầu năm 2017, đến nay xuống còn khoảng 1,8%.

Chỉ trông vào cây lúa, nhiều năm qua, gia đình chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn Động Giã, xã Đỗ Động chưa từng thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đầu năm 2017, được sự hỗ trợ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Đỗ Động, gia đình chị Thủy được trao tặng 1 con bò cái trị giá 21 triệu đồng và hơn 5 triệu đồng kinh phí xây dựng chuồng trại, mua thức ăn chăn nuôi... Cùng với đó, chị còn được hỗ trợ đào tạo nghề đan nón lá để kiếm thêm thu nhập khi nông nhàn. Những sự hỗ trợ sát sườn trên giúp cuộc sống của gia đình chị Thủy từng bước được cải thiện. Đến nay, gia đình chị Thủy đã chính thức lần đầu tiên “được” thoát nghèo.
 Trao tặng bò cái hỗ trợ hộ nghèo tại xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai
Gia đình chị Thủy chỉ là 1 trong tổng số 12 hộ dân thoát nghèo nhờ các chính sách hỗ trợ của xã Đỗ Động. Kết quả trên có được, bên cạnh sự nỗ lực của cá nhân, hộ gia đình, còn phải kể tới trợ lực lớn thông qua nhiều giải pháp cụ thể của địa phương nơi đây. Theo đó, 500 hội viên nông dân toàn xã đã được vay tổng số vốn trên 9 tỷ đồng để phát triển các mô hình kinh tế. Ủy ban MTTQ xã đã tổ chức hiệp thương, phân công các tổ chức chính trị xã hội trực tiếp giúp đỡ các hộ nghèo. Kết quả đạt được đáng khích lệ mà trường hợp của chị Nguyễn Thị Thủy được tiếp sức từ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Đỗ Động là một minh chứng rõ nét nhất.

Không chỉ quan tâm đến việc "cho cá" mà việc tạo "cần câu" - đào tạo nghề cho người dân cũng được địa phương đặc biệt quan tâm. Đến nay, gần 40% người dân địa phương đã có thêm nghề phụ để nâng cao thu nhập, chủ yếu là đan nón lá - chổi nilon, sâu hạt đệm, dệt may mặc… Nông nghiệp chiếm tỷ trọng khoảng 53% tiếp tục được địa phương thúc đẩy theo hướng gia tăng giá trị. Hiện, tổng đàn gia súc toàn xã được giữ ổn định gần 5.000 con và đàn gia cầm gần 80.000 con. 150 hộ phát triển các mô hình trang trại, trong đó có nhiều trang trại tập trung xa khu dân cư, theo Quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi lợn tại Việt Nam (VietGAHP) đang bước đầu được hình thành, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động địa phương. Đơn cử như trang trại lợn quy mô 2.000 con của ông Nguyễn Mạnh Hùng ở thôn Trình Xá; xuất bán 3 lứa/năm và sản phẩm sạch đạt VietGAP. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã Đỗ Động đã giảm từ 2,7% đầu năm 2017 đến nay xuống còn khoảng 1,8%, thu nhập bình quân đầu người tính đến quý I/2018 cũng đã tăng lên mức 38 triệu đồng/năm.

Chủ tịch UBND xã Đỗ Động Nguyễn Đăng Mạnh thẳng thắn nhìn nhận, dù kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, nhưng đến nay địa phương chưa xây dựng được nhiều mô hình sản xuất cho giá trị cao và bền vững. Thị trường tiêu thụ nông sản còn nhiều biến động, nhất là với sản phẩm chăn nuôi. Trong khi giá trị kinh tế mang lại từ nghề phụ chưa ổn định do phụ thuộc nhiều vào thị trường… Chính vì vậy, để thực hiện được mục tiêu giảm 32 hộ nghèo còn lại, bên cạnh nỗ lực của địa phương, kiến nghị TP, huyện Thanh Oai tiếp tục quan tâm, có giải pháp hỗ trợ cụ thể, nhất là về vốn đào tạo nghề, giải quyết việc làm và phát triển các mô hình nông nghiệp giá trị cao nhằm đa dạng hóa nguồn thu nhập cho người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần