Hiệu quả từ mô hình nuôi cá an toàn thực phẩm

Bài, ảnh: Lê Thu
Chia sẻ Zalo

Huyện Ba Vì đã xây dựng được vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm có diện tích 20ha tại Hợp tác xã thủy sản Đồng Tâm (HTX), xã Phú Đông.

Với chất lượng cá nuôi của HTX thịt luôn thơm, ngon đã dần chiếm được niềm tin của người tiêu dùng và mở ra hướng đi mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Ba Vì.
Mô hình kiểu mới
Được thành lập từ năm 2008, HTX thủy sản Đồng Tâm hiện có 19 thành viên với tổng diện tích nuôi thả cá đạt 50ha. Năm 2013, được sự quan tâm của Sở NN&PTNT Hà Nội, Trung tâm giống Thủy Sản Hà Nội đầu tư cho HTX xây dựng mô hình nuôi thủy sản theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng Tâm cũng là HTX đầu tiên của huyện Ba Vì triển khai nuôi cá theo phương pháp mới với 9 hộ tham gia có diện tích trên 20ha. Trong đó, hộ nuôi ít nhất là 1,4ha, hộ nuôi có diện tích lớn nhất 3,8ha. Tham gia mô hình này, 9 hộ nuôi đều phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về con giống và thức ăn phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không gian nuôi thoáng đãng. Do đó, trên bờ không được trồng các loại cây lâu năm, khu vực nuôi cá không được chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm để đảm bảo nguồn nước không bị ô nhiễm, tránh phát sinh và lây lan dịch bệnh. Tùy theo trọng lượng của cá người nuôi sẽ cho ăn từ 2 - 4 bữa/ngày, tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng: “đúng thời gian, đúng địa điểm, đúng chất lượng và đúng số lượng”. Để hạn chế bệnh dịch xảy ra, người nuôi phải thường xuyên tiến hành khử trùng quanh khu vực ao nuôi bằng vôi bột và thuốc sát trùng Viladin. Cá nuôi càng lớn, lượng thức ăn càng nhiều thì ao nuôi càng cần được vệ sinh thường xuyên. Để đảm bảo nguồn nước sạch, 9 hộ tham gia mô hình này đều đào giếng khoan để lấy nước phục vụ ao nuôi. Nhằm đảm bảo nguồn thức ăn chất lượng tốt cho cá, HTX đã ký kết hợp đồng mua bán với Công ty Thức ăn chăn nuôi Master (chi nhánh Hưng Yên) và Công ty CP Thuốc thú y TWI để có chuyên gia thú y thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh cũng như tư vấn cách phòng, trị bệnh cho các hộ nuôi.

Mô hình nuôi cá tại HTX Đồng Tâm, Phú Đông, Ba Vì.

Song song với đó, để giúp các thành viên có thêm kinh nghiệm trong sản xuất, HTX thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu học hỏi kinh nghiệm và tham quan các mô hình nuôi cá theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm có hiệu quả ở các địa phương khác. Trong hai năm 2011 và 2013, Trung tâm giống Thủy sản Hà Nội đã hỗ trợ 30% về con giống và thức ăn cho cá, tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cá, xử lý nước và phòng bệnh cho các hộ tham gia mô hình. Giống cá được các hộ thả nuôi chủ yếu là cá trắm, chép cỏ và rô phi đơn tính. Với việc nuôi thả tự nhiên, nguồn nước sạch đảm bảo vệ sinh, ngoài thức ăn chính cá còn được người nuôi cho ăn thêm rau và cỏ, do đó chất lượng thịt cá thơm ngon, rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Dù chăn nuôi theo quy mô lớn nhưng chưa từng có dịch bệnh về cá xảy ra tại đây.
Nâng cao đời sống
Là một trong 9 hộ đang tham gia mô hình, ông Phùng Văn Minh - thành viên HTX thủy sản Đồng Tâm chia sẻ: “Hiện gia đình tôi có 2,5ha nuôi thủy sản theo mô hình. Trước đây chăn nuôi theo hướng truyền thống, cá được ăn cám kết hợp bã bia, bã sắn, sản lượng chỉ đạt từ 4 - 4,5 tấn/ha. Hiện nay, do áp dụng chăn nuôi theo phương pháp mới, cá luôn đảm bảo không dịch bệnh mà năng suất đạt gấp bốn, năm lần từ 18 - 20 tấn/ha. Mỗi năm tôi thu hoạch 2 vụ cá, sau khi trừ chi phí cũng thu lãi trên 400 triệu đồng”.
Hiện nay, các hộ nuôi cá tại HTX thủy sản Phú Đông đang vào vụ thu hoạch. Theo tính toán việc nuôi áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật sản lượng cá đạt từ 14 - 20 tấn/ha. Vào vụ thu hoạch, các thương lái sẽ đến tận nơi thu mua với giá giao động đối với rô phi từ 35 - 36.000 đồng/kg, cá trắm cỏ 58 - 59.000 đồng/kg, cá chép từ 59 - 60.000 đồng/kg... Sau khi trừ chi phí các hộ thu lãi trên 100 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với nuôi thả theo phương pháp quảng canh truyền thống. Từ hiệu quả mô hình nuôi cá theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm mang lại, đã giúp nhiều thành viên của HTX có cuộc sống sung túc, kinh tế ổn định. Từ đó, gia đình có điều kiện cho con cái được học hành đến nơi đến chốn, góp phần đẩy mạnh việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Còn những khó khăn…
Hiệu quả kinh tế mà mô hình đang mang lại cho người dân vùng đất chiêm trũng Phú Đông là không thể phủ nhận, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít khó khăn. Theo ông Chu Văn Hồng - Chủ nhiệm Hợp tác xã thủy sản Đồng Tâm, ngoài khó khăn về nguồn vốn sản xuất thì các hộ nuôi cá theo mô hình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm đều gặp khó khăn chung là đầu ra cho sản phẩm. Sản phẩm cá của HTX đã 4 lần được đưa đi Hội chợ hàng Nông nghiệp Việt Nam và được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao. Đặc biệt, cá do HTX chăn nuôi đã được Phòng kinh tế huyện Ba Vì cấp Giấy chứng nhận số 11/2015/ATTP - PKT ngày 13/12/2015, công nhận HTX thủy sản Đồng Tâm là cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất kinh doanh sản phẩm cá tươi sống. “Tuy nhiên, do chưa xây dựng được thương hiệu cho nên đến nay sản phẩm cá của HTX vẫn tiêu thụ hoàn toàn theo hướng tự do, giá cả bấp bênh phụ thuộc vào mùa vụ” - ông Hồng chia sẻ.
Nuôi thả cá theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm được HTX Đồng Tâm triển khai trong thời gian qua là một hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao trong nuôi trồng thủy sản ở Ba Vì. Nhưng, để người dân thật sự yên tâm sản xuất, tránh tình trạng “được mùa mất giá” thì rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền. Bên cạnh đó, người sản xuất rất mong các cấp chính quyền TP có các chính sách hỗ trợ để người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình chăn nuôi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và đặc biệt giúp bảo vệ môi trường. Có như vậy mô hình nuôi cá thâm canh theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm tại HTX thủy sản Đồng Tâm, xã Phú Đông nói riêng và của huyện Ba Vì nói chung mới phát huy được hiệu quả tối ưu nhất.
 
Từ năm 2008, Ba Vì đã tập trung quy hoạch Dự án phát triển khu nuôi trồng thủy sản tại 5 xã: Cổ Đô, Phú Đông, Phong Vân, Vạn Thắng và Phú Cường với quy mô 350ha. Đây là những diện tích trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang nuôi thủy sản tập trung. Các loại cá được nuôi chủ yếu là trắm, chép, rô phi... Sản lượng vùng nuôi thâm canh đạt từ 8 - 10 tấn/ha, giá trị sản xuất đạt 350 - 450 triệu đồng/ha, cao gấp 5 - 7 lần so với trồng lúa. Vùng chuyên canh thủy sản 20ha tại HTX thủy sản Phú Đông đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Hiện nay, rất nhiều hộ dân tại địa phương muốn tham gia mô hình này. Hợp tác xã đã đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội được mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản an toàn vệ sinh thực phẩm của địa phương lên 30ha, tuy nhiên cần phải có lộ trình cụ thể, tránh phát triển ồ ạt. Nhiệm vụ cấp bách lúc này là phải làm ra sản phẩm cá đạt chất lượng tốt, năng suất cao và bán được giá, chứ không phải chạy theo số lượng.
Ông Chu Văn Hồng - Chủ nhiệm HTX thủy sản Đồng Tâm 

Gia đình tôi hiện đang nuôi 2ha cá theo mô hình vệ sinh an toàn thực phẩm cho hiệu quả kinh tế cao. Tôi và nhiều hộ khác ở địa phương rất muốn mở rộng diện tích nuôi cá theo mô hình này để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phải tốn từ 300 - 500 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó đầu ra của sản phẩm chưa ổn định. Chúng tôi mong rằng Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ về vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm để chúng tôi phát triển nghề cá.
Ông Chu Văn Năm, một hộ nuôi cá tại Phú Đông

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần